Công ty Fujifilm Holdings Corp (Nhật Bản) sẽ tái khởi động tiến trình thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Avigan để điều trị Covid-19 tại quốc gia này. Theo báo Nikkei hôm 21-2, đợt thử nghiệm lần này sẽ gồm khoảng 270 bệnh nhân, với mục tiêu tìm kiếm sự phê chuẩn vào tháng 10 tới. Trước đó, quá trình phê chuẩn sử dụng Avigan trong điều trị Covid-19 tại Nhật Bản đã bị hoãn sau khi một ủy ban của Bộ Y tế nước này khẳng định vào tháng 12-2020 rằng dữ liệu thử nghiệm chưa đủ thuyết phục.
Nhật Bản đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Avigan trong điều trị bệnh cúm. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của loại thuốc này đối với Covid-19 hiện vẫn chưa rõ ràng. Dù vậy, chính phủ Nhật Bản vẫn yêu cầu Fujifilm tăng gấp 3 lần trữ lượng trong nước đối với loại thuốc đã được phê chuẩn để điều trị Covid-19 tại Nga, Ấn Độ và Indonesia.
Malaysia tiếp nhận lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Pfizer-BioNTech tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 21-2 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) đã bàn giao lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên cho Malaysia hôm 21-2. Theo báo The Straits Times, vắc-xin sẽ được lưu trữ tại 16 địa điểm bí mật khắp cả nước. Lô vắc-xin thứ 2 của Pfizer-BioNTech sẽ được chuyển đến Malaysia vào ngày 26-2 và phần còn lại sẽ cập bến 2 tuần/lần. Hãng dược Sinovac Biotech (Trung Quốc) cũng lên kế hoạch bàn giao vắc-xin cho Malaysia từ ngày 27-2.
Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết chương trình tiêm chủng dự kiến bắt đầu vào ngày 24-2, với Thủ tướng Muhyiddin Yassin và Tổng Giám đốc Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah là những người đầu tiên được tiêm. Khoảng 500.000 người trong tuyến đầu chống dịch, chủ yếu là nhân viên y tế, sẽ được ưu tiên trong giai đoạn đầu của chương trình. Tiếp đến là những cá nhân thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao và cuối cùng là nhóm dân số trưởng thành. Malaysia đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 80% dân số vào tháng 2-2022.
Tại Úc, theo Reuters, Thủ tướng Scott Morrison hôm 21-2 được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên của Pfizer-BioNTech và gọi chương trình tiêm chủng Covid-19 là bước đi quan trọng nhằm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường. Chương trình này chính thức bắt đầu từ ngày 22-2 và đến tháng 3, dự kiến có đến 4 triệu cư dân nước này được tiêm vắc-xin Covid-19. Những nhóm ưu tiên trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng gồm nhân viên y tế và lực lượng thực thi biên giới ở tuyến đầu chống dịch, bên cạnh cư dân và nhân viên viện dưỡng lão. Theo kế hoạch, đa số người dân Úc sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 10 năm nay.
Nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng Covid-19 vừa nhận được cú hích lớn sau khi Bộ Y tế Israel hôm 20-2 cho biết vắc-xin của Pfizer-BioNTech, khi tiêm đủ 2 liều, cho hiệu quả "đáng kinh ngạc" trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của virus, các ca nhiễm nặng và các ca nhiễm phải nhập viện lần lượt là 95,8%, 99,2% và 98,9%. Đến thời điểm hiện tại, theo báo Times of Israel, hơn 4,2 triệu cư dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều và gần 2,9 triệu người đã được tiêm 2 liều.
Trong bối cảnh số người được tiêm phòng gần đạt mốc 50% dân số, Israel bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế vào ngày 21-2. Trong khi các cửa hàng được phép phục vụ tất cả mọi người, những địa điểm giải trí như rạp chiếu phim chỉ mở cửa cho những người đã được tiêm 2 liều vắc-xin trước đó 1 tuần hoặc những người đã được chữa khỏi Covid-19. Quy định đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì.
Bình luận (0)