Hiện tại, khuôn khổ diễn đàn đa phương mà Trung Quốc thiết lập với 5 quốc gia Trung Á: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan mới chỉ là một tập hợp lực lượng nhỏ.
Nhưng về triển vọng phát triển mà nói thì tập hợp lực lượng này lại có thể có được tiền đồ rất xán lạn. Sáng kiến lớn của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới "Một vành đai, một con đường" được triển khai thực hiện đi qua vùng Trung Á của 5 quốc gia này.
Trung Quốc cũng đóng vai trò chủ chốt trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mà một vài trong số 5 quốc gia Trung Á trên là thành viên. Trung Quốc là thành viên của nhóm BRICS (khối các nền kinh tế mới nổi, ngoài Trung Quốc còn có Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi) và G20. Qua đó có thể thấy không gian và phạm vi hoạt động của họ rộng lớn hơn và cụ thể, thiết thực không kém nhóm G7.
Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á thảo luận ở cuộc gặp cấp cao của họ về thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư song phương cũng như trong khuôn khổ các dự án kết nối các nền kinh tế với nhau.
Trung Quốc đưa ra những dự án và chương trình đầu tư lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, đa dạng hóa mạng lưới tuyến cung ứng. Cụ thể và thiết thực, vừa có lợi ngay lại vừa có được ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Trung Quốc tổ chức cuộc gặp cấp cao với 5 quốc gia Trung Á tại Sơn Tây cuối tuần qua Ảnh: REUTERS
Trung Á xưa nay được coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga. Nga đang bị vướng vào cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc đối địch với Mỹ, EU, NATO và toàn bộ phe phương Tây. Điều này khiến Nga không còn có thể tiếp tục dành ưu tiên chính sách cao và đầu tư nguồn lực lớn cho khu vực Trung Á.
Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban trở lại cầm quyền làm thay đổi cơ bản cục diện chính trị an ninh ở khu vực Trung Á và Nam Á. Trung Quốc có cơ hội thuận lợi và năng lực thực tế để gây dựng vai trò chính trị an ninh nổi bật nhất ở khu vực này. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải xuất xứ từ một tập hợp các quốc gia có cùng quan ngại về an ninh.
Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á bây giờ tập trung quan tâm hàng đầu vào hợp tác và kết nối giữa các nền kinh tế, nhưng từ sự xuất phát này sẽ có những chuyện chính trị an ninh khu vực và thế giới cũng như những chuyện khác nữa trên chương trình nghị sự.
Ngoài ra, từ đã khá lâu nay rồi, đặc biệt là hiện tại, nhóm G7 bị thách thức, cạnh tranh quyết liệt về vai trò và ảnh hưởng bởi nhóm G20, thậm chí bởi cả nhóm BRICS.
Hợp tác với Trung Quốc, 5 quốc gia Trung Á trên có thêm sự lựa chọn đối tác về chính trị, kinh tế, thương mại, cả an ninh ngoài Nga và các nước thuộc khối phương Tây.
Tập hợp 5 quốc gia Trung Á này xung quanh mình, Trung Quốc gây dựng được cuộc chơi ảnh hưởng và lợi ích địa chính trị mới giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dễ dàng tạo ưu thế và lợi thế nổi trội hơn hẳn những đối tác bên ngoài khác. Tập hợp mới có triển vọng càng lớn thì lợi đơn, ích kép càng thêm nhiều cho Bắc Kinh.
Bình luận (0)