Theo hãng tin Reuters, đây là hoạt động đầu tiên của tàu chiến Mỹ gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20-1.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục USS John S. McCain thực hiện chuyến đi nói trên để khẳng định các quyền và sự tự do hàng hải trong vùng lân cận của quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Hoạt động tự do hàng hải duy trì các quyền, sự tự do và việc sử dụng biển hợp pháp, được công nhận trong luật pháp quốc tế" - Hạm đội 7 tuyên bố.
Đầu tuần này, tàu USS John S. McCain cũng đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm khiến Trung Quốc phản ứng giận dữ.
Tàu khu trục USS John S. McCain. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trung Quốc kiểm soát trái phép quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông vào năm 1974 sau một cuộc chiến ngắn ngày. Biển Đông là một trong những vấn đề gây căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ - Trung.
Bắc Kinh nhiều lần bày tỏ tức giận khi Washington điều tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp ở biển Đông. Trung Quốc ngang ngược tuyên bố rằng họ có chủ quyền không thể chối bỏ tại vùng biển này, đồng thời cáo buộc Mỹ cố tình gây căng thẳng.
Gần đây nhất, hôm 2-2, Lầu Năm Góc thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ vừa được điều động từ Bộ Chỉ huy Trung tâm ở Trung Đông sang khu vực Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Điều này đồng nghĩa với việc tàu USS Nimitz sẽ hoạt động tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới ở biển Đông.
Thư ký báo chí Nhà Trắng John F Kirby vẫn chưa tiết lộ lịch trình tiếp theo của tàu USS Nimitz. Giới quan sát Ấn Độ cho rằng động thái triển khai tàu sân bay của chính quyền Tổng thống Biden cho thấy Washington có thể tăng cường hiện diện xung quanh biển Đông.
Hồi tháng trước, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng tiến vào biển Đông thông qua eo biển Bashi, di chuyển giữa Đài Loan và Philippines. Sự xuất hiện của nó trùng với thời điểm Trung Quốc triển khai hàng chục chiến đấu cơ, trong đó có máy bay ném bom chiến lược, đến eo biển Đài Loan.
Bình luận (0)