Người đứng đầu SCA Osama Rabie cho biết 85 con tàu cuối cùng trong số 422 tàu thuyền phải xếp hàng dài sau sự tàu cố chở hàng khổng lồ Ever Given mắc cạn đã đi qua kênh đào Suez cả từ hai phía trong ngày 3-4.
Các nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra về vụ việc và kết quả sẽ được công bố vào đầu tuần tới. Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, tàu Ever Given mắc cạn sau khi gặp gió mạnh và bão cát khiến tầm nhìn kém và khó di chuyển. Hồi đầu tuần, Bernhard Schulte Shipmanagement - công ty quản lý kỹ thuật của tàu Ever Given – cho biết điều tra ban đầu của họ cho thấy gió mạnh đã làm con tàu chệch hướng.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sada el-Balad hôm 31-4, ông Osama Rabie cho rằng gió không phải là nguyên nhân chính gây ra sự cố và "lỗi kỹ thuật hoặc con người" mới là nguyên nhân. Ông Osama Rabie lưu ý: "Kênh đào Suez chưa bao giờ bị đóng cửa vì thời tiết xấu".
Kênh đào Suez bị chặn vào ngày 23-3 khi Ever Given mắc kẹt. Ảnh: Cơ quan quản lý kênh đào Suez
Tàu chở hàng khổng lồ Ever Given đang ở hồ Great Bitter để điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố, trong đó có kiểm tra an toàn toàn bộ khung thân con tàu, phần phía trước bị va vào bờ phía Đông kênh đào. Việc xử lý vụ việc có thể phức tạp vì con tàu thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản và được vận hành bởi một công ty ký gửi của Đài Loan và treo cờ Panama.
Giới chuyên gia cảnh báo quá trình kiện tụng đòi bồi thường cho vụ mắc cạn của tàu Ever Given tại kênh đào Suez sẽ vô cùng rối rắm, thậm chí mất nhiều năm giải quyết.
Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez ông Osama Rabie cảnh báo không cho phép tàu Ever Given và hàng hóa của nó rời khỏi Ai Cập nếu vụ kiện bồi thường chưa được giải quyết.
Theo ông Osama Rabie, khoản bồi thường có thể hơn 1 tỉ USD cho những tổn thất phát sinh từ sự cố mắc kẹt tàu trên kênh đào Suez. Ông Osama Rabie cho biết số tiền bồi thường có tính đến hoạt động làm nổi tàu, chi phí giao thông bị đình trệ và phí vận chuyển lãng phí trong tuần mà tàu Ever Given cản trở giao thông trong kênh.
Wai Gudula, cựu thành viên ủy ban quản lý kênh đào Suez, cho biết thiệt hại kinh tế của Ai Cập không nhỏ, chưa kể chi phí giải cứu tàu Ever Given bằng "một số lượng lớn tàu kéo và tàu nạo vét". Người này ước tính việc đóng cửa kênh đào đã khiến mất doanh thu khoảng 18 triệu USD/ngày.
Người rành rẽ vụ việc nói với đài ABC (Úc) rằng mặc dù chưa xác định được tổng mức bồi thường nhưng đây có thể là vụ bồi thường liên quan đến tàu container nhiều tiền nhất từ trước đến nay.
Ước tính vận tải hàng hải toàn cầu có thể mất tới 6 tháng mới trở lại bình thường. Ảnh: AP
Tàu Ever Given bị mắc kẹt, chắn ngang kênh đào Suez hôm 23-3. Theo ước tính, vận tải hàng hải toàn cầu có thể mất tới 6 tháng mới trở lại bình thường. Khi kênh đào bị phong tỏa, các tàu thuyền khác đã tính tới kế hoạch đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Cực Nam châu Phi, lộ trình được sử dụng trước khi kênh đào Suez mở cửa vào năm 1869
Nối giữa Địa Trung Hải với biển Đỏ, kênh đào Suez là tuyến giao thông trên biển quan trọng trong thương mại đường biển toàn cầu, vì nó cho phép tàu thuyền đi lại giữa châu Âu và Nam Á mà không cần phải di chuyển quanh châu Phi, giảm khoảng cách đi biển giữa châu Âu và Ấn Độ khoảng 7.000 km.
Bình luận (0)