Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói rằng tàu sân bay Thi Lang đã “đạt các mục tiêu dự kiến” ban đầu.
Tuy không cung cấp thêm thông tin về các mục tiêu nói trên song ông Dương khẳng định chiến lược phòng thủ ven bờ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và bản chất phòng thủ trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ không thay đổi, bất chấp việc Bắc Kinh đang phát triển các vũ khí hiện đại.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc "đạt mục tiêu". Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Dương cho biết tàu sân bay hiện đã trở về xưởng đóng tàu và sẽ được tân trang, thử nghiệm trước khi chính thức được sử dụng. Trước đó, chiếc tàu dài 300 m này xuất phát từ cảng thuộc thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, hôm 10-8 và thử nghiệm trên biển trong 4 ngày.
PLA, lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới, vô cùng “kín tiếng” về các chương trình quân sự, được chu cấp từ nguồn quỹ quân sự dồi dào nhờ kinh tế phát triển vượt bậc.
Hồi đầu năm, Trung Quốc công bố chi tiêu quân sự sẽ tăng 12,7%, tương đương 91,7 triệu USD trong năm 2011. Ngoài tàu sân bay, Bắc Kinh tiết lộ đang phát triển máy bay tàng hình và sắp hoàn thành tên lửa có thể xuyên thủng tàu sân bay Mỹ.
Dự kiến tàu sân bay này được đưa vào sử dụng trong năm 2012. Ảnh: AFP
Cách đây không lâu, Nhật Bản tỏ ra lo ngại sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Lầu Năm Góc Mỹ cũng kêu gọi Bắc Kinh giải thích tại sao nước này trang bị tàu sân bay.
Theo tạp chí Quốc phòng Châu Á Kanwa (trụ sở tại Hong Kong), Trung Quốc mua lại tàu sân bay Varyag của Ukraine năm 1998 với giá 20 triệu USD.
Tàu này dài 300 mét, được cải tiến tại bãi tàu ở thành phố cảng Đại Liên phía Đông Bắc Trung Quốc. Giới phân tích quân sự Mỹ cho rằng có thể Trung Quốc sẽ cho tàu Varyag đi vào hoạt động trong năm 2012 để huấn luyện và thử nghiệm công nghệ. Họ ước tính Trung Quốc sẽ có một tàu sân bay tự đóng vào năm 2015.
Bình luận (0)