Theo Tổng thống Donald Trump, quy mô của hải quân Mỹ đã bị thu hẹp đáng kể trong vài năm trở lại đây.
Các thành viên đảng Cộng hoà nhiều lần nói rằng ông chủ Nhà Trắng muốn mở rộng đội tàu sân bay của Washington lên 12 chiếc dù kế hoạch này không nằm trong quyết định phân bổ ngân sách hiện tại của Lầu Năm Góc.
Ngày 22-7 tới, hải quân Mỹ sẽ tiếp nhận chiếc USS Gerald R. Ford, tàu sân bay hạt nhân mới và hiện đại nhất của mình. Tàu dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2020. Một số thành viên quốc hội Mỹ - hiện chỉ cho phép quy mô đội tàu sân bay không quá 11 chiếc - hy vọng đẩy nhanh thời gian biểu này lên để giảm gánh nặng cho các tàu sân bay còn lại.
Một trong những cuộc thử nghiệm được mong chờ nhất là người ta sẽ đánh thuốc nổ gần chiếc USS Gerald R. Ford để kiểm tra khả năng chống chịu của con tàu. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm sẽ chưa diễn ra cho đến khi tàu sân bay lớp Ford thứ hai, USS John F. Kennedy, trình làng vào năm 2020.
Những tàu sân bay như USS Gerald R. Ford có thể chở hàng trăm chiến đấu cơ cùng lúc với số lượng máy bay cất cánh/ngày nhiều hơn 1/3 so với các tàu sân bay cũ. Chúng ra đời nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ ra toàn thế giới.
Đầu tháng này, hải quân Mỹ đưa hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan tại biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) để tập trận cùng với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, mục đích đề phòng sự xâm lược tiềm tàng từ CHDCND Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: REUTERS
USS Gerald Ford là chiếc đầu tiên trong số 4 tàu sân bay lớp Ford dự kiến được đóng. Đây là thiết kế tàu sân bay mới đầu tiên của hải quân Mỹ trong 42 năm. Dù vậy, chỉ có 3 chiếc trong số này được đặt tên và tài trợ.
Tàu sân bay phục vụ lâu nhất trong lực lượng hải quân Mỹ, USS Nimitz (biên chế từ năm 1975), dự kiến ngưng hoạt động sớm nhất là vào năm 2025.
Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch duy trì đội tàu sân bay 11 chiếc trong những năm tới bằng cách sử dụng các tàu sân bay lớp Ford để thay thế một số tàu "nghỉ hưu".
Với chi phí chế tạo khoảng 13 tỉ USD, USS Gerald Ford là tàu sân bay đắt nhất từng được chế tạo của Mỹ.
Có hai thay đổi quan trọng trên tàu sân bay lớp Ford này, bao gồm thay thế hệ thống phóng máy bay sử dụng hơi nước bằng hệ thống phóng máy bay sử dụng điện và hệ thống neo giữ máy bay hạ cánh (đòi hỏi chi phí gấp 3, lên 961 triệu USD).
Hải quân Mỹ đang rót 24,3 tỉ USD cho hai tàu sân bay USS Gerald R. Ford và USS John F. Kennedy, cũng như dự kiến chi thêm 17 tỉ USD cho tàu sân bay lớp Ford thứ ba - USS Enterprise.
Chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản bay phía trên các tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của hải quân Mỹ. Ảnh: AP
Khi triển khai các tàu sân bay tiên tiến nói trên, mối quan tâm lớn nhất là sự an toàn của hơn 7.000 thành viên thủy thủ đoàn cùng các nhóm tàu hộ tống. Nguyên nhân là trong vài năm tới, công nghệ tên lửa của một số đối thủ của Washington có thể đạt được những bước tiến đáng kể.
Trong đó, Nga và Trung Quốc vừa hoàn thiện các thế hệ tên lửa tinh vi hơn. Cả hai nước cũng đều được cho là đang phát triển thiết bị bay siêu âm (HGV) với tốc độ cao hơn mức 6.000 km/giờ, theo một báo cáo từ Lầu Năm Góc.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc hiện sở hữu tên lửa Dong Feng-21D được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" do phạm vi hoạt động của nó lên tới gần 1.500 km cũng như sức tàn phá mạnh.
Theo thời gian, những loại vũ khí này có thể buộc các tàu sân bay Mỹ phải hoạt động xa bờ hơn để tránh bị tấn công, dẫn đến khả năng tiếp liệu của các máy bay trên đó cũng phải được cải thiện thêm.
Đối mặt thách thức trên, Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) hồi năm ngoái kêu gọi Bộ Quốc phòng loại bỏ tàu sân bay lớp Ford để đặt trọng tâm vào máy bay không người lái (UAV) nhằm tăng cường phạm vi tấn công của hải quân.
Ông Paul Scharre, một nhà nghiên cứu tại CNAS, nhận định Lầu Năm Góc trong vài năm qua hay nói về mối đe dọa của tên lửa tầm xa của kẻ thù đối với tàu sân bay Mỹ nhưng lại tránh thảo luận về cách thức gia tăng tầm hoạt động của máy bay trên đó và cung cấp thêm máy bay không người lái.
Cũng theo đề nghị của trung tâm này, hạm đội tàu ngầm của hải quân Mỹ nên tăng từ 58 lên 74 chiếc.
Bình luận (0)