Ông Perry là đồng giám đốc Dự án Phòng thủ quốc phòng do hai đại học danh tiếng của Mỹ là Stanford và Harvard hợp tác nghiên cứu và là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn 1994 - 1997.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ W.Perry không đánh giá cao tàu sân bay Thi Lang. Ảnh: CNA
Trong chuyến thăm Đài Loan ngày 30-6 mới đây, ông phát biểu với báo giới về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Varyag, còn gọi là Thi Lang, như sau: “Trung Quốc còn lâu mới vận hành hoàn chỉnh một tàu sân bay, có thể kéo dài nhiều thập kỷ chứ không chỉ nhiều năm. Vả lại, sở hữu tàu sân bay không quan trọng bằng việc vận hành nó trong phối hợp tác chiến”.
Theo ông Perry, nếu đi một mình, tàu sân bay rất dễ bị các tàu khác hoặc phi cơ tấn công, vì vậy cần phải có tàu chiến, tàu ngầm, máy bay hộ tống và phải mất nhiều năm luyện tập, đội tàu sân bay mới phối hợp nhuần nhuyễn.
Tuy vậy, ông Perry đánh giá cao tên lửa đối hạm mới của Trung Quốc. “Một số chương trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc rất quan trọng. Sau khi nghiên cứu cẩn thận, tôi cho rằng đáng kể nhất chính là các tên lửa đất đối hạm và không đối hạm của họ” – ông Perry nhận định.
Tên lửa đối hạm YJ 62 của Trung Quốc. Ảnh: Internet
Ngoài ra, một số chương trình đi kèm với việc tu sửa tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc cũng đáng để mắt. Điển hình là J-15, máy bay chiến đấu phản lực gần giống với chiến đấu cơ Sukhoi Su-33 của Nga. Được trang bị tên lửa, J-15 có thể đe dọa các mục tiêu trên biển trong phạm vi 500 km.
Chưa hết, trong đợt tập trận thường niên đầu tháng 6 của hải quân Trung Quốc ở vùng biển Tây Thái Bình Dương gần Okinawa, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết đã nhìn thấy một máy bay không người lái của Trung Quốc được phóng lên từ một chiến hạm. Theo các chuyên gia, nhiệm vụ của máy bay không người lái Trung Quốc là giám sát và định vị mục tiêu cho tên lửa đối hạm tầm xa.
Tàu sân bay Thi Lang vẫn nằm cảng Đại Liên sửa chữa. Ảnh: Tân Hoa Xã
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc không hạ thủy tàu sân bay Thi Lang vào ngày 1-7 như dự kiến. Tờ Thương báo (Hong Kong) đưa tin tàu Thi Lang chạy thử nghiệm sớm nhất cũng phải vào tháng 8 tới.
“Đây là tàu sân bay đầu tiên của chúng tôi nên gặp phải trục trặc cũng là bình thường. Đó là lý do tại sao chúng tôi chưa bao giờ chính thức công bố lịch trình thử nghiệm con tàu” – Thương báo dẫn phát biểu của một quan chức quân đội Trung Quốc.
Tàu sân bay Thi Lang được sửa chữa từ con tàu Varyag của Ukraine mà Bắc Kinh mua lại vào năm 1998 với giá 20 triệu USD. Cho đến nay, con tàu vẫn nằm tại cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh- Trung Quốc.
Bình luận (0)