Tờ báo của Nam Phi cho biết hồi tuần trước, 3 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ ở cảng Đông London với cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển Nam Phi. Nước này đã cáo buộc thuyền trưởng các tàu trên đánh bắt trái phép và không tuân thủ mệnh lệnh của lực lượng sở tại.
Giới chuyên gia lo ngại việc thiếu trang thiết bị (như máy bay giám sát, tàu tuần tra…) khiến Nam Phi không bảo vệ hiệu quả lãnh hải. Do đó, họ kêu gọi sự phối hợp của nhiều cơ quan, kể cả hải quân, để tăng tính răn đe. Trên quy mô rộng hơn, Liên minh châu Phi (AU) đang đẩy mạnh các thỏa thuận đánh bắt cá liên quốc gia để tránh xảy ra xung đột.
Sunday Tribune dẫn một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu ước tính từ năm 2000-2011, ngư dân Trung Quốc đánh bắt 4,6 triệu tấn cá/năm, phần lớn từ vùng biển châu Phi, châu Á và một số lượng nhỏ từ Trung và Nam Mỹ, Nam Cực. Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác liên quan tới đánh bắt thủy sản trộm ngày càng gia tăng.
Mới đây nhất, một tàu Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna hôm 27-5. Truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn quân đội tại căn cứ hải quân số 4 ở tỉnh đảo Riau, thiếu tá Josdy Damopoli, mô tả lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đứng nhìn khi các quan chức Indonesia tiếp cận tàu đánh cá đó và bắt giữ 8 thủy thủ.
Không chỉ e ngại tàu cá Trung Quốc, giới chuyên gia còn lo lắng căng thẳng trên biển Đông sẽ tăng mạnh sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Các quan chức phương Tây quan ngại Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách mở rộng hoạt động xây đảo nhân tạo đến tận bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm từ Philippines năm 2012. Va chạm có thể khó tránh bởi Nhà Trắng đang chịu sức ép phải mạnh tay hơn với Trung Quốc từ giới tướng lĩnh ở Thái Bình Dương và nhiều nghị sĩ.
Là nước khởi kiện, Philippines muốn Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA. Tân Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh ngay cả khi nước ông kêu gọi Bắc Kinh đầu tư vào hạ tầng thì Trung Quốc vẫn không thể phớt lờ phán quyết của PCA. Trong khi đó, tạp chí Nikkei ngày 30-5 dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cho rằng không thể giải quyết tranh chấp trên biển Đông với lối tư duy “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Ông cũng lưu ý ổn định ở châu Á phụ thuộc vào mối quan hệ Mỹ - Trung và “khu vực này đủ rộng cho tất cả cường quốc, bao gồm Nhật Bản, tồn tại hòa bình”.
Bình luận (0)