Cuộc giải cứu diễn ra vào ngày 11-10, một ngày sau khi con tàu Montecristo (thuộc tập đoàn D'Alessio của Ý) bị bắt giữ khi đang cách bờ biển Somalia 1.000 km. Lúc này, con tàu đang trên đường chở sắt vụn từ Liverpool (Anh) đến Việt Nam.
Con tàu Montecristo được giải thoát nhờ chiếc chai chứa thư cầu cứu. Ảnh: MOD
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ý Ignazio La Russa, 23 thủy thủ trên tàu đã kịp dồn vào phòng bọc sắt, khóa cửa lại và vẫn kiểm soát được máy tàu và bánh lái.
“Bọn cướp biển đã cắt mọi cách liên lạc, nhưng chúng không thể ngờ các thủy thủ lại nghĩ ra cách cho thư cầu cứu vào một cái chai và thả trôi xuống biển” – ông La Russa kể.
Nhờ cái chai trên, Hải quân Anh – Mỹ đã tiến hành thành công chiến dịch giải cứu mà không gặp phải nguy hiểm nào. Với sự tham gia của trực thăng cùng chiến hạm Fort Victoria của Hải quân Anh và một tàu khu trục nhỏ của Mỹ, lực lượng giải cứu không vấp phải sự kháng cự nào khi họ bắt giữ 11 tên cướp biển trên boong tàu. 11 tên này sẽ được chuyển giao cho chính quyền Ý.
Trước lực lượng giải cứu hùng hậu, 11 tên cướp biển đầu hàng không chống cự. Ảnh: MOD
Bà Karen Jacques thuộc Cục Tình báo Hàng hải Dryad cho biết “mùa cướp biển” chỉ mới vừa bắt đầu, trùng với thời điểm kết thúc của hoạt động gió mùa, và dự đoán số vụ cướp biển sẽ tăng lên trong năm nay.
Nạn cướp biển đã gây ra những tổn thất rất lớn cho ngành công nghiệp vận tải biển, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương. Số liệu của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cho biết mỗi năm ước tính kinh tế thế giới bị tổn thất do nạn cướp biển từ 7 - 12 tỉ USD.
Năm 2010, cướp biển được cho là đã kiếm được 80 triệu USD tiền chuộc. Tuy nhiên đầu năm nay, các chính phủ đã ký một thỏa thuận quốc tế cương quyết không trả tiền chuộc trong các vụ bắt cóc.
Bình luận (0)