Ùn tắc giao thông đang khiến các thành phố lớn ngày càng đau đầu. Vấn đề có thể nghiêm trọng hơn khi số liệu thống kê cho thấy 70% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các đô thị vào năm 2050.
Công nghệ khó có thể làm gì để giúp giảm bớt số lượng cư dân tại các đô thị nhưng hứa hẹn đóng vai trò lớn trong việc giúp các con đường bớt quá tải trong tương lai. Một trong những giải pháp tiềm tàng được nói đến nhiều là phát triển loại phương tiện cho phép người sử dụng dễ dàng đi lại trên không như bộ đồ bay đang được Công ty Martin Aircraft (New Zealand) hoàn thiện. “Bộ đồ bay sẽ là một phần của những thành phố tương lai” - ông Peter Coker, Phó Chủ tịch về phát minh sáng tạo của Công ty KuangChi Science (Hồng Kông), cổ đông lớn của Công ty Martin Aircraft, dự báo.
Nguyên mẫu của phương tiện mang tên Martin Jetpack nói trên có thể bay ở độ cao 850 m với vận tốc 45 km/giờ trong 28 phút. Theo ông Coker, người có nhu cầu đi lại có thể dùng ứng dụng điện thoại thông minh để gọi bộ đồ bay tự lái đến đưa họ đi bất kỳ đâu - tương tự những dịch vụ đang được các công ty Uber cung cấp. Ông Coker thừa nhận vẫn còn không ít “rào cản pháp lý” cần vượt qua nếu muốn đưa phương tiện này vào hoạt động. Ngoài ra, nó cần được trang bị thêm tính năng tự động tránh va chạm trong trường hợp ngày càng nhiều người “bay lượn” trên không. Ông Michael Read, một người từng dùng thử Martin Jetpack, nói với đài BBC rằng thiết bị bay này sẽ rất đáng giá. “Việc có thể đi lại thoải mái trên bầu trời thật sự là một trải nghiệm độc đáo và thú vị” - ông Read nhận định.
Trong lúc chờ bộ đồ bay trở thành hiện thực, những dịch vụ chia sẻ xe thông qua ứng dụng như ZipCar và UberPool có thể giúp giảm số lượng xe đi lại trên đường. Còn tại TP Glasgow - Scotland, chính quyền đã chi 14,5 triệu USD để xây dựng trung tâm giám sát 500 camera và có thể can thiệp vào hơn 800 đèn giao thông khắp thành phố. Hệ thống này ưu tiên cho xe buýt chạy chuyến trễ nhằm khuyến khích nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Một nỗ lực khác là làm cho tín hiệu đèn giao thông trở nên thông minh hơn. GS Christos Cassandras, chuyên gia về thành phố thông minh tại Trường ĐH Boston (Mỹ), cho rằng việc điều chỉnh đèn giao thông theo thời gian thực có thể giảm thời gian ùn tắc lên đến 50% và giúp việc lái xe trong thành phố trở nên thoải mái hơn.
Xe tự lái cũng là một giải pháp công nghệ cao tiềm tàng cho bài toán kẹt xe. Các hãng xe lớn hứa hẹn tung ra thị trường xe tự lái từ năm 2020 trở về sau. Thậm chí, Uber còn cho thử nghiệm taxi tự lái tại TP Pittsburgh - Mỹ. Trong khi đó, chính quyền TP Washington, TP Las Vegas và bang Florida có kế hoạch sử dụng xe buýt không người lái tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo Watson của hãng IBM, có thể giải đáp thắc mắc của hành khách về lịch trình hoặc gợi ý nhà hàng, các địa điểm lịch sử ở địa phương.
Bình luận (0)