Brexit được đánh giá là thách thức cấp bách nhất đối với ông Johnson sau khi ông thay thế người tiền nhiệm Theresa May. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Johnson cam kết tái thương lượng thỏa thuận Brexit mà bà May đã đạt được với EU. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước châu Âu không cho thấy họ sẵn sàng đưa ra những thỏa hiệp mới.
Ngay khi kết quả bầu cử được công bố, ông Johnson tái khẳng định sẽ đưa Anh rời EU vào hạn chót ngày 31-10, kể cả khi không đạt được thỏa thuận Brexit. Dù vậy, phần lớn nghị sĩ Anh - trong đó có nhiều thành viên Đảng Bảo thủ - phản đối mạnh mẽ kịch bản Brexit "không thỏa thuận".
Ông Boris Johnson trở thành tân Thủ tướng Anh hôm 24-7 Ảnh: REUTERS
EU hôm 23-7 tái khẳng định sẽ không thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận Brexit đã đạt được với bà May. "Anh đã đạt được một thỏa thuận với EU và EU sẽ giữ nguyên thỏa thuận này. Đây đã là thỏa thuận tốt nhất có thể" - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans khẳng định. Cũng theo ông Timmermans, EU không mong muốn kịch bản Brexit "không thỏa thuận" bởi nếu điều này xảy ra, "đó sẽ là bi kịch cho các bên. Tất cả đều hứng chịu tổn thất".
Cùng ngày, bà Ursula von der Leyen - người vừa đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu - nhấn mạnh "tất cả bên liên quan đều có trách nhiệm đạt được một thỏa thuận có lợi cho người dân ở châu Âu lẫn ở Anh". Dù vậy, bà von der Leyen cảnh báo ông Johnson sẽ đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến kế hoạch tái thương lượng thỏa thuận Brexit của mình.
Ngoài Brexit, tân Thủ tướng Johnson còn đối mặt với một thử thách lớn khác mang tên Iran. Quan hệ London - Tehran leo thang căng thẳng theo sau các vụ bắt giữ tàu chở dầu của nhau. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran gần đây bắt giữ tàu chở dầu Anh tại eo biển Hormuz - động thái được cho là để trả đũa vụ Anh bắt giữ tàu chở dầu Iran tại Địa Trung Hải hồi đầu tháng 7.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif hôm 23-7 cảnh báo ông Johnson rằng Tehran sẽ hành động cứng rắn để bảo vệ lãnh hải của mình ở vùng Vịnh song nhấn mạnh họ không tìm kiếm xung đột.
Bình luận (0)