Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), dù không cấp thiết như khủng bố hay kinh tế song Trung Quốc có thể là thử thách dài hạn phức tạp nhất mà tổng thống kế tiếp của Mỹ phải ứng phó.
Báo Nikkei (Nhật Bản) dẫn khảo sát năm 2015 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) chứng tỏ thái độ của người dân nước này đối với Trung Quốc đang rất tiêu cực. Theo đó, gần một nửa ý kiến lo rằng việc Trung Quốc trở thành siêu cường sẽ gây đe dọa lớn. Cứ 10 người Mỹ thì 7 người e ngại tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và láng giềng. Đặc biệt, 56% số người được hỏi đồng tình để Mỹ dùng sức mạnh quân sự bảo vệ một đồng minh châu Á (như Nhật, Hàn Quốc hay Philippines) trong trường hợp họ bị Bắc Kinh tấn công.
Nguồn cơn cái nhìn thiếu thiện cảm này phần lớn xuất phát từ nguy cơ kinh tế mà Trung Quốc gây ra, bao gồm việc đang nắm giữ số nợ lớn của Mỹ.
Tỉ phú Donald Trump, “tay đua” đang dẫn đầu bên phe Cộng hòa, kêu gọi đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tới 45%. Ông trùm truyền thông còn cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và tuyên bố sẽ trừng trị việc nước này “ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ” cũng như tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Xem Trung Quốc là đối thủ và ủng hộ Mỹ thắt chặt quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực trên cũng là quan điểm của các ứng viên Cộng hòa khác, theo Bloomberg.
Về phía Đảng Dân chủ, ứng cử viên Bernie Sanders từng phát biểu: “Nếu trở thành tổng thống, tôi sẽ thay đổi tận gốc các chính sách thương mại với Trung Quốc”.
Người đang dẫn trước ông Sanders, bà Hillary Clinton, còn tỏ ra “diều hâu” hơn. Trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ (2009-2013), bà nâng cấp chính sách xoay trục sang châu Á lên mức ưu tiên chiến lược. Song song đó, đích thân bà đối mặt với hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông, Hoa Đông và cứng rắn trên “mặt trận” thương mại lẫn tấn công mạng. Ông Jeffrey Bader, cố vấn chính về Trung Quốc trong chính quyền Tổng thống Barack Obama đến năm 2011, nhận xét: “Bà ấy sẽ cứng rắn với Bắc Kinh hơn chồng mình”.
Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng minh các ứng viên mạnh miệng với Trung Quốc - như Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton… - lại ôn hòa hơn rất nhiều khi ngồi vào ghế tổng thống, theo Nikkei. “Đả phá Trung Quốc là một phần của chính trị tranh cử ở Mỹ và chúng tôi hiểu điều đó” - ông Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Mỹ tại Bắc Kinh, bình luận.
Khác với nhiều người tiền nhiệm, Tổng thống Obama ngay từ đầu đã xác định sẽ hợp tác với Trung Quốc. Lập trường này đem lại cho ông một số thành công, như Bắc Kinh cam kết cắt giảm lượng khí thải và bớt kiểm soát đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, nhận thấy đối thủ chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc không che giấu quyết tâm thách thức vị trí số 1 của Mỹ, buộc ông Obama phải thay đổi chiến lược vào năm 2010 với tuyên bố tăng cường “xoay trục”.
Viết trên Nikkei, 2 ông Andrew Shearer (cựu cố vấn an ninh quốc gia Úc) và Thomas Wright (nhà nghiên cứu của Viện Brookings ở Washington) nhận định: “Gần như chắc chắn chính quyền tiếp theo của Mỹ - bất kể ai thắng cử - sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc”.
Cụ thể, theo 2 chuyên gia, Mỹ phải khắc chế chiến lược “chuyện đã rồi” mà Bắc Kinh áp dụng trong tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á và tiếp theo là thích ứng với các điểm yếu (chứ không phải điểm mạnh) của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã trỗi dậy một thời gian dài, khiến không tổng thống nào gần đây của Mỹ nghĩ một cách nghiêm túc về sự bất ổn của nước này” - hai ông viết và lấy tình hình kinh tế lao đao của Trung Quốc hiện nay làm ví dụ.
Bình luận (0)