Nước Anh đã rời khỏi EU hồi tháng 1-2020 nhưng vẫn tiếp tục tuân thủ những quy tắc của khối cho đến khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31-12. Quốc hội Anh phải thông qua thỏa thuận vào cuối năm trước khi thỏa thuận có thể thực thi kể từ ngày 1-1-2021.
EU có khả năng sẽ áp đặt cơ chế tạm thời cho đến khi các nghị sĩ EU bỏ phiếu chính thức thông qua thỏa thuận nói trên. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của chính phủ Anh dự báo dù đạt thỏa thuận nhưng sản lượng kinh tế Anh sẽ thấp hơn khoảng 4% trong vòng 15 năm tới so với kịch bản nước này vẫn ở lại EU. Các doanh nghiệp Anh sẽ phải chịu những quy tắc hải quan, tiêu chuẩn quản lý và kiểm tra biên giới mà EU yêu cầu áp dụng với các nước thứ 3, khiến hoạt động thương mại chậm lại và tốn kém hơn.
Song song đó, Anh nhiều khả năng sẽ không thu mình sau quá trình Brexit mà hướng đến hiệp định thương mại tự do với các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss đã ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Nhật Bản, Canada, Singapore, Thụy Sĩ cùng một số nước khác. Anh cũng đang nhắm đến một thỏa thuận với Ấn Độ, đồng thời đàm phán những thỏa thuận khác với Mỹ, Úc và New Zealand.
Người phản đối Brexit tại thủ đô London - Anh hôm 24-12. Ảnh: REUTERS
Không chỉ đứng trước thách thức về kinh tế, Anh còn đứng trước nguy cơ chia tách với Scotland. Các nhà phân tích cho rằng Brexit không phải là ý nguyện của đa số người dân Scotland. Theo tờ Guardian, khoảng 62% người Scotland bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016 và có khả năng diễn ra cuộc bỏ phiếu khác vào năm tới.
Trong khi đó, GS Hylke Vandenbussche tại Trường ĐH Leuven (Bỉ) cảnh báo một Brexit với thỏa thuận thương mại tự do sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế kết hợp của 27 quốc gia EU giảm 0,38% và mất khoảng 280.000 việc làm. Mặc dù thỏa thuận Brexit sẽ duy trì quyền tiếp cận không hạn ngạch và miễn thuế với thị trường chung châu Âu cũng như tránh tổn hại từ việc Brexit không thỏa thuận nhưng không bao gồm lĩnh vực tài chính.
EU vẫn chưa đưa ra quyết định về việc liệu có cho phép Anh tiếp cận thị trường tài chính của khối này hay không. Ông Gavin Friend, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Úc (Anh), cho rằng đây chỉ là bước khởi đầu trong quá trình xây dựng một mối quan hệ thương mại mới giữa Anh và EU. Theo hãng tin Reuters, chuyên gia Daisuke Uno, Trưởng bộ phận chiến lược của Ngân hàng Sumitomo Mitsui, cho rằng các nhà đầu tư sẽ bắt đầu cảm nhận tác động kinh tế từ việc Anh rời khỏi EU sau khi đạt được thỏa thuận thương mại Brexit. Chuyên gia này nhận định Brexit sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh và đồng bảng Anh sẽ trượt giá sau khi có những đánh giá về thỏa thuận.
Trước đó, phản ứng tích cực về việc EU hoàn tất thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi đây là một "thỏa thuận công bằng và cân bằng". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 24-12 đánh giá cao thỏa thuận này, coi đây là văn kiện mang ý nghĩa lịch sử và cam kết sẽ nỗ lực để thỏa thuận có hiệu lực ngay từ đầu năm tới.
Thỏa thuận cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU và sau đó là Nghị viện châu Âu thông qua trước khi có hiệu lực.
Bình luận (0)