Tạp chí y học danh tiếng BMJ (British Medical Journal) ngày 10-11 cho biết nhiều chuyên gia hoan nghênh thông tin về vắc-xin Covid-19 của 2 công ty Pfizer và BioNTech có "hiệu quả hơn 90%" trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn thấy các kết quả đầy đủ của cuộc thử nghiệm và những chi tiết vẫn chưa được công khai.
Bà Eleanor Riley, chuyên gia về miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm của Trường ĐH Edinburgh (Scotland), chỉ ra rằng 2 công ty không nói gì về độ tuổi của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. "Nếu một loại vắc-xin có tác dụng giúp bệnh tật bớt nghiêm trọng và giảm các trường hợp tử vong... nó sẽ cần hiệu quả đối với những thành viên lớn tuổi trong xã hội chúng ta" - bà Riley nói.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia chưa được biết một số thông tin khác, như mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận trong thử nghiệm và khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu. Cũng theo bà Riley, thông tin trên khiến chúng ta có lý do để lạc quan dù vẫn cần thận trọng.
Một tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của 2 công ty Pfizer và BioNTech tại TP Cincinnati, bang Ohio - Mỹ .Ảnh: TRUNG TÂM Y TẾ BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG CINCINNATI
Trước mắt, theo trang The Hill, vắc-xin của Pfizer và BioNTech vẫn cần những dữ liệu an toàn đủ để thuyết phục Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp (EUA).
Pfizer và BioNTech cho biết sẽ có đủ dữ liệu an toàn trong tuần thứ 3 của tháng 11 để trình vắc-xin của họ lên FDA xem xét. Một điều quan trọng nữa là cần tiếp tục nghiên cứu xem các cá nhân được tiêm chủng có bị tác dụng phụ nào trong dài hạn hay không. Vắc-xin trên đã được thử nghiệm trên 43.500 người tại 6 nước và vẫn chưa có vấn đề an toàn nào phát sinh. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng thường mất vài năm để bảo đảm không có chuyện gì xảy ra với một vắc-xin.
Nói về tính hiệu quả của một vắc-xin, ông Peter Hotez, chuyên gia của Trường ĐH Y Baylor (Mỹ), cho rằng lý tưởng nhất là nó làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng và phải nhập viện, đồng thời ngăn lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm vắc-xin Covid-19 hiện nay không được thiết kế để chứng minh chúng có những hiệu quả như thế.
Một phần lý do là số lượng trường hợp bệnh nặng phải nhập viện chỉ chiếm một phần nhỏ các ca Covid-19 có triệu chứng. Vì thế, số lượng ca bệnh nặng khó có thể xuất hiện nhiều trong các cuộc thử nghiệm.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi cuối tháng 4 qua, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện chỉ chiếm khoảng 3,4% trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng. Vì thế, ngay cả với một thử nghiệm với số tình nguyện viên là từ 30.000 người trở lên, số ca bệnh nặng cũng không đáng kể nên dữ liệu thu thập được không đủ để đánh giá.
Hiệu quả ngăn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng không phải là mục tiêu của nhiều cuộc thử nghiệm vắc-xin Covid-19 hiện nay. Theo đài RT (Nga), chi phí và thời gian là những thách thức không nhỏ đối với các công ty thử nghiệm vắc-xin Covid-19. Chẳng hạn như một cuộc thử nghiệm có khoảng 30.000 người tham gia tốn từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD. Để đánh giá được hiệu quả của vắc-xin đối với các ca bệnh nặng hoặc sự lây nhiễm đòi hỏi một cuộc thử nghiệm có quy mô gấp 10 lần như thế, kéo theo chi phí cũng cao gấp 10. Trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19, thỏa hiệp là điều khó tránh.
Không dễ phân phối, lưu trữ
Chính phủ Mỹ có thể bắt đầu tiêm chủng cho người dân ngay trong tháng 12 nếu Công ty Pfizer (Mỹ) trình dữ liệu an toàn về quá trình thử nghiệm vắc-xin Covid-19 sớm như mong đợi. Sau khi thông báo vắc-xin của họ và đối tác BioNTech SE (Đức) cho hiệu quả hơn 90% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, Pfizer tuyên bố sẽ nộp dữ liệu cần thiết lên FDA vào tuần tới để xin cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp. Ngay khi FDA bật đèn xanh, mỗi tháng Mỹ sẽ nhận khoảng 20 triệu liều vắc-xin của Pfizer, đài ABC News (Úc) dẫn lời Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết hôm 11-11.
Bộ trưởng Azar và chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci đều khẳng định rằng những nhóm thuộc diện ưu tiên hàng đầu, như người lớn tuổi, nhân viên y tế và lực lượng phản ứng nhanh, sẽ được tiêm chủng đầu tiên. Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 1,95 tỉ USD với Pfizer để được cung cấp 100 triệu liều vắc-xin cho 50 triệu người và có thể mua thêm 500 triệu liều nếu cần.
Nếu được phê chuẩn, vắc-xin của Pfizer sẽ trở thành vắc-xin "mong manh" nhất từng được sử dụng tại Mỹ, khiến giới chức y tế tại các bang lo ngại quá trình phân phối sẽ không diễn ra êm xuôi. Theo đài CNN, vắc-xin này cần được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -75 độ C, lạnh hơn khoảng 50 độ C so với bất cứ vắc-xin nào từng được sử dụng tại Mỹ. Các văn phòng bác sĩ, công ty dược và phòng thí nghiệm quốc gia hiện chưa có tủ đông cung cấp mức nhiệt độ này. Do đó, theo một bác sĩ giấu tên tại CDC, giải pháp được đưa ra gồm hàng loạt yêu cầu xử lý và bảo quản "hết sức phức tạp". Theo chuyên gia Kelly Moore của Liên minh Hành động Tiêm chủng, giới chức y tế các bang đã bị sốc khi nghe những yêu cầu về việc lưu trữ loại vắc-xin này.
Cao Lực
Bình luận (0)