Bangkok cho biết họ đã từ chối yêu cầu trục xuất toàn bộ người Duy Ngô Nhĩ đang bị tạm giữ ở Thái Lan về Trung Quốc theo đề xuất của Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc cáo buộc “một số lực lượng và chính phủ nước ngoài đang cố gắng khai thác vấn đề người Duy Ngô Nhĩ cho mục đích riêng”.
Trước đó, Thái Lan quyết định cho hồi hương gần 100 người Duy Ngô Nhĩ bị cho là nhập cư bất hợp pháp vào nước này, khiến cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kịch liệt.
Theo Đại tá Weerachon Sukhondhapatipak, phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, Bangkok đang thực hiện đúng các “thỏa thuận và luật pháp quốc tế”, đó là xác minh quốc tịch của tất cả các trường hợp nghi là người Duy Ngô Nhĩ nhập cư vào nước này, rồi tùy từng trường hợp mà quyết định.
“Phía Trung Quốc yêu cầu chúng tôi cho hồi hương tất cả số người Duy Ngô Nhĩ đang bị tạm giữ nhưng chúng tôi không thể thuận theo yêu cầu” - ông Sukhondhapatipak nói trong một cuộc họp báo hôm 10-7.
Vào tháng rồi, Thái Lan xác định và gửi 170 người Duy Ngô Nhĩ là công dân Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước, trong khi gần 100 người bị trả về Trung Quốc. 50 người khác vẫn đang được Bangkok xác nhận quốc tịch.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng mạnh mẽ thúc giục Bắc Kinh xử lý đúng đắn vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Hôm 9-7, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) trụ sở ở New York cho biết những người Duy Ngô Nhĩ bản địa – hầu hết ở khu tự trị Tân Cương đầy bất ổn của Trung Quốc - phải đối mặt với tình trạng ngược đãi “khắc nghiệt”.
Giám đốc chi nhánh HRW tại Trung Quốc Sophie Richardson kêu gọi Thái Lan ngay lập tức ban hành lệnh tạm hoãn trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 9-7 nhấn mạnh sự hợp tác về vấn đề chống nhập cư bất hợp pháp giữa Bắc Kinh và Bangkok vẫn diễn ra bình thường. Thời báo Hoàn cầu cũng cho biết những người Duy Ngô Nhĩ bị Thái Lan trục xuất “là người nhập cư trái phép hoặc thành viên các băng nhóm buôn lậu”.
“Nhiều người trong số họ lên kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ qua các nước Đông Nam Á, sau đó nhập cảnh vào Iraq và Syria để tham gia hàng ngũ thánh chiến” – tờ báo cho biết thêm.
Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ làm quan hệ giữa Bắc Kinh và Ankara trở nên căng thẳng trước thềm chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong tháng này. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9-7 phải dùng hơi cay để giải tán khoảng 100 người biểu tình tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Ankara.
Những người biểu tình cũng tấn công lãnh sự quán Thái Lan ở Istanbul đêm 8-7, đập vỡ cửa sổ và đột nhập vào bên trong. Ngày 10-7, chính phủ Thái Lan quyết định tạm thời đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Ankara và lãnh sự quán ở Istanbul để bảo vệ các nhân viên người Thái. “Chúng tôi sẽ theo dõi và đánh giá tình hình mỗi ngày” - ông Sukhondhapatipak nói.
Bình luận (0)