Ông Prayuth Chan-ocha là người quyết định trục xuất 100 người Duy Ngô Nhĩ về lại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Thái Lan đã quyết định trục xuất gần 100 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trở lại Trung Quốc, bỏ ngoài tai những những ý kiến lo ngại của các nhà bảo vệ nhân quyền về việc nhóm người sẽ bị trừng phạt khi quay về. Đồng thời, Thái Lan cũng trục xuất 170 người Duy Ngô Nhĩ được xác định là công dân Thổ Nhĩ Kỳ về nước, 50 người khác vẫn chưa được xác nhận quốc tịch.
Sau quyết định này, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng nêu khả năng đóng cửa đại sứ quán Thái Lan tại Thỗ Nhĩ Kỳ sau khi người biểu tình tấn công lãnh sự quán tại Istanbul, đập vỡ các cửa kính và làm đảo lộn tất cả hoạt động trong toà nhà do nước này trục xuất người Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc.
“Tôi yêu cầu đất nước ta hãy đặt sự an toàn của các nhân viên đại sứ quán lên hàng đầu. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, chúng ta có thể phải tạm thời đóng cửa đại sứ quán ở Thỗ Nhĩ Kỳ”, ông Prayuth phát biểu trong một cuộc họp báo.
Theo Reuters, những người biểu tình ở Istanbul đã sử dụng các tấm ván gỗ và đá đập vỡ cửa sổ, đột nhập vào lãnh sự quán Thái Lan đêm 8-7 (giờ địa phương). Đoạn video mới được công bố cho thấy họ ném sổ sách, đồ dùng cá nhân của những người làm việc tại đây xuống sàn.
Thái độ của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là vấn đề nhạy cảm ở Thổ Nhĩ Kỳ và điều này đã ảnh hưởng đến quan hệ song phương trước chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến trong tháng 7 của Tổng thống Tayyip Erdogan. Sở dĩ, người Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận là vì họ cho rằng mình có chung nền di sản văn hóa và tôn giáo với “người anh em” Duy Ngô Nhĩ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi tập trung đông đảo tộc người này. Thời gian qua, hàng trăm, thậm chí có thể hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ không hài lòng với chính sách Bắc Kinh đối với họ đã bí mật vượt biên đến Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống.
Đây không phải vụ tấn công đầu tiên của người biểu tình phản đối Trung Quốc gây náo loạn tại Istanbul. Tuần trước, một nhà hàng Trung Quốc đã bị người biểu tình đập phá và một nhóm du khách Hàn Quốc bị tấn công vì người biểu tình nhầm lẫn với người Hoa.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mở rộng cửa cho người Duy Ngô Nhĩ di cư “chạy trốn trước cuộc đàn áp” của Trung Quốc trước đó đã làm xấu trầm trọng mỗi quan hệ với Bắc Kinh.
Ông Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu Thái Lan tại Trung tâm giám sát Nhân quyền cho hay việc Thái Lan nhượng bộ có lẽ do Bắc Kinh gây áp lực. Ông lo ngại rằng những người quay về sẽ đối mặt với các đòn “tra tấn” chờ sẵn và “biến mất” không nguyên do.
Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng báo động trước quyết định trục xuất người Duy Ngô Nhĩ của Thái Lan. “Chúng tôi khá sốc với quyết định trục xuất gần 100 người và coi đó là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, một đại diện của tổ chức thế giới này cho biết.
Bình luận (0)