Người phát ngôn của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), ông Akanat Prompan, hôm 8-12 tuyên bố hơn 50 nhóm người biểu tình chống chính phủ xuất phát từ nhiều hướng khác nhau sẽ tiến về tòa nhà chính phủ để tiến hành “trận chiến cuối cùng” vào ngày 9-12. Ông hy vọng đây sẽ là sự kiện lịch sử, dẫn đến việc lật đổ được chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Ông Akanat, con riêng của vợ ông Suthep Thaugsuban - thủ lĩnh nhóm biểu tình, nhấn mạnh tất cả mọi người biểu tình sẽ tụ tập trước tòa nhà chính phủ với nỗ lực giành chính quyền từ tay Thủ tướng Yingluck. Akanat cam kết rằng nếu người biểu tình không tụ tập đông đảo như kỳ vọng, PDRC sẽ kết thúc cuộc biểu tình của họ vào ngày hôm đó, các thủ lĩnh sẽ đầu hàng và chấp nhận đối mặt với tất cả mọi cáo buộc tại tòa án. Tuy nhiên, ông này không nói rõ số lượng ra sao mới được xem là đủ lớn.
Để đối phó với “trận chiến cuối cùng” của PDRC, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul đã gửi thư khẩn cho thủ trưởng các cơ quan nhà nước ra lệnh cho họ ngăn chặn người biểu tình chiếm giữ văn phòng của họ. Thêm vào đó, Trung tướng Paradorn Pattanatabut, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), cho biết sẽ điều động thêm cảnh sát tại các khu vực ở Bangkok, nơi luật an ninh nội bộ đang có hiệu lực. Từ ngày 7-12, cảnh sát đã dựng rào cản xung quanh các văn phòng cơ quan nhà nước chủ chốt, đặc biệt là tòa nhà chính phủ và quốc hội. Theo báo The Nation, ông Paradorn xác nhận các nhà ngoại giao nước ngoài ở Thái Lan đã được mời đến để chứng kiến chính phủ đối phó cuộc biểu tình ra sao. Ông quả quyết chính phủ Thái Lan sẽ thực hiện các biện pháp hòa hoãn mà không cần đến vũ khí.
Trong khi đó, Thủ tướng Yingluck hôm 8-12 tuyên bố bà sẵn sàng từ chức hoặc giải tán quốc hội để chấm dứt tình trạng hỗn loạn chính trị đang diễn ra ở nước này. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, bà nhấn mạnh một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi giải tán quốc hội. Đồng thời, bà nói thêm rằng bà không muốn các đảng phái tẩy chay cuộc bầu cử và dẫn đến đảo chính như đã xảy ra năm 2006. Theo bà, nếu phe chống chính phủ phản đối đề nghị trên, thế bế tắc chính trị sẽ kéo dài lâu hơn nữa.
Dù vậy, ông Suthep từng nhấn mạnh rằng sự từ chức của thủ tướng không đủ để chấm dứt khủng hoảng. Ông cũng bác bỏ việc tổ chức bầu cử bởi vì phe đối lập nhiều khả năng sẽ bị đánh bại.
Người dân lo lắng Kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố hôm 8-12 cho thấy 36,46% trong số 1.588 người Thái Lan được hỏi đã tỏ ra lo lắng về nguy cơ “trận chiến cuối cùng” của phe chống đối sẽ leo thang và kéo dài. Những người này cũng cho biết họ không muốn chứng kiến bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra. Trong khi đó, 30,39% người mong mỏi các bên liên quan kiềm chế vì họ không muốn người Thái tranh cãi hoặc làm tổn thương lẫn nhau. Ngoài ra, 34,52% muốn chính phủ bình tĩnh và 27,92% yêu cầu chính phủ không sử dụng vũ lực. |
Bình luận (0)