Tờ Bangkok Post cho biết vào tối 9-12, Quốc vương Bhumibol Adulyadej chính thức phê chuẩn quyết định giải tán Hạ viện và tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào ngày 2-2-2014.
Quân đội đứng ngoài cuộc
“Tôi không muốn Thái Lan và người dân gánh chịu thêm mất mát nữa” – Thủ tướng Yingluck Shinawatra nói trên truyền hình sáng cùng ngày. Đáp lại, chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva nói những cuộc biểu tình lớn khiến chính phủ có rất ít lựa chọn. “Tôi nghĩ cách tốt nhất để thủ tướng thể hiện trách nhiệm là trao trả quyền lực về tay nhân dân” - ông Abhisit khẳng định.
Đài CNN tỏ ra hồ nghi về việc Thủ tướng Yingluck đại diện cho Pheu Thai ra tái tranh cử. Tuy nhiên, trong tối 9-12, các thành viên cấp cao của Đảng Pheu Thai đã đồng thuận đề cử Thủ tướng Yingluck làm ứng viên số 1 trong cuộc bầu cử sắp tới, theo người phát ngôn Prompong Nopparit said. Nếu đảng này giành chiến thắng, bà Yingluck sẽ lại có cơ hội làm thủ tướng.
Ngoài ra, lãnh đạo Đảng Pheu Thai Jarupong Ruangsuwan không quên “đá móc” Đảng Dân chủ: “Đừng sợ bầu cử. Đừng chơi trò chơi đường phố. Các anh đã thua trong 8 cuộc bầu cử vừa qua nhưng biết đâu có ngày lại thắng. Chúng tôi muốn Đảng Dân chủ tham gia bầu cử chứ không phải bày trò trên đường phố”.
Báo The Bangkok Post cho biết ban chấp hành Đảng Pheu Thai sẽ họp trong 1-2 ngày nữa để đề ra chiến lược tranh cử.
Dồn bà Yingluck vào đường cùng
Quyết định giải tán quốc hội không xoa dịu được người biểu tình. Họ tiếp tục yêu cầu bà Yingluck từ chức lập tức để dọn đường cho việc thành lập một “hội đồng nhân dân”. Hội đồng này sẽ tiếp quản và điều hành đất nước tạm thời.
Theo lãnh đạo Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) Sathit Wongnongtoey, việc Thủ tướng Yingluck giải tán quốc hội lúc này đã là quá muộn và tình hình sẽ vẫn căng thẳng nếu bà và nội các vẫn điều hành Thái Lan với tư cách chính phủ lâm thời.
Theo ước tính của cảnh sát, có khoảng 160.000 người biểu tình đã đổ về bao vây Tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Bangkok trong ngày 9-12. Hàng chục ngàn người hưởng ứng biểu tình từ nhiều tỉnh thành khác. Trong khi đó, phe “Áo đỏ” ủng hộ chính phủ quyết định hủy cuộc tuần hành quy mô lớn dự kiến tổ chức tại tỉnh Ayutthaya vào ngày 10-12.
Chiều 9-12, thủ lĩnh Suthep và những người ủng hộ đã có mặt tại tòa nhà chính phủ. Theo Tân Hoa Xã, rào chắn đã được dựng lên bên ngoài tòa nhà này nhưng chưa có cuộc đối đầu nào xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Tòa án Hình sự Thái Lan cũng bác bỏ yêu cầu ra lệnh bắt giữ 13 lãnh đạo biểu tình của cảnh sát với lý do quốc hội đã giải tán và tình hình được cải thiện.
Chỉ là giải pháp ngắn hạn Một số chuyên gia cho rằng giải tán quốc hội chưa đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Ông Pavin Chachavalpongpun, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto - Nhật Bản, nhận định kêu gọi bầu cử trước thời hạn sẽ không hiệu quả nếu Đảng Dân chủ đối lập tẩy chay. Ông nói với hãng tin Reuters: “Đây chỉ là giải pháp ngắn hạn bởi không có gì bảo đảm Đảng Dân chủ sẽ quay trở lại và chơi theo luật. Chúng ta vẫn chưa biết liệu họ có tẩy chay bầu cử hay không. Dường như tình hình Thái Lan vẫn không có lối thoát sau quyết định trên”. Kịch bản này từng xảy ra vào năm 2006. Giữa lúc các cuộc biểu tình đang diễn ra rầm rộ, Đảng Dân chủ đã từ chối tham gia bầu cử mà thủ tướng khi đó, ông Thaksin Shinawatra, kêu gọi. Năm tháng sau, quân đội tiến hành đảo chính lật đổ ông Thaksin, anh trai Thủ tướng Yingluck. Đảng Dân chủ biết rõ khả năng tái đắc cử của bà Yingluck trong cuộc bầu cử sắp tới là rất lớn do Đảng Pheu Thai vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân nông thôn và dân nghèo ở thành thị. Lần cuối cùng Đảng Dân chủ thắng cử là vào năm 1992. Đây cũng có thể là lý do khiến phe biểu tình hiện nay không xem bầu cử sớm là mục tiêu mà nghiêng theo hướng “hội đồng nhân dân”. Ông Nipon Poapongsakorn, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan, cho rằng chính phủ của bà Yingluck cần thảo luận với các nhóm khác nhau về cải cách chính trị. Ông gợi ý chính phủ nên lập một ủy ban gồm những nhân vật trung lập về chính trị và nhiều uy tín để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Hoàng Phương |
Bình luận (0)