Cử tri Thái Lan ngày 14-5 sẽ bỏ phiếu bầu Hạ viện khóa mới gồm 500 ghế trong cuộc bầu cử có thể chứng kiến phe đối lập trở lại nắm quyền lần đầu tiên kể từ năm 2014. Hơn 50 triệu người Thái Lan đủ điều kiện bỏ phiếu và Ủy ban Bầu cử (EC) kỳ vọng tỉ lệ cử tri bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần này là 85%.
Dù có 70 đảng tham gia tranh cử nhưng cuộc bầu cử dự kiến chỉ là sự tranh đua giữa Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha, Đảng Vì nước Thái và Đảng Tiến bước. Một số đảng khác dù không được đánh giá cao nhưng có thể đóng vai trò nhất định trong việc thành lập chính phủ liên hiệp, trong đó nổi bật là Đảng Palang Pracharath và Đảng Bhumjaithai.
Theo Reuters, ngoài cuộc tranh đua giữa các lực lượng chính trị cũ và mới, cử tri Thái Lan còn bận tâm nhiều đến vấn đề hồi phục kinh tế thời hậu đại dịch COVID-19, nợ hộ gia đình còn cao…
Nhiều đảng nỗ lực thu hút cử tri bằng những cam kết như: tặng tiền mặt, tăng lương, cho phép hoãn trả nợ… Ngoài ra, một số đảng như Vì nước Thái, Tiến bước đang kêu gọi thay đổi hệ thống chính trị, như cải cách quân đội và viết lại hiến pháp.
Chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bangkok - Thái Lan ngày 13-5 Ảnh: REUTERS
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy UTN đang xếp sau 2 đảng Vì nước Thái và Tiến bước. Trong cuộc vận động trước thềm bầu cử, ông Prayut thúc giục người ủng hộ tiếp tục đoàn kết và ủng hộ UTN.
Theo báo The Nation, ông Prayut cam kết tiếp tục đầu tư vào Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) và các lĩnh vực mới như xe điện, thiết bị điện tử thông minh, trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây…, đồng thời nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các công nghệ mới. Nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố sẽ từ bỏ chính trường nếu UTN không giành đủ đa số ghế để lập chính phủ trong cuộc bầu cử.
Trong khi đó, Đảng Vì nước Thái dù được dự báo giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện nhưng việc thành lập chính phủ mới có thể không dễ. Trang Bloomberg cho biết chiến lược của đảng này tập trung vào những đề xuất nhằm thúc đẩy kinh tế.
Cụ thể, theo Phó Tổng Thư ký Đảng Vì nước Thái Paopoom Rojanasakul, họ có kế hoạch hỗ trợ nhà đầu tư về nhiều mặt, như luật pháp, lao động, thuế…, cũng như hứa hẹn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cạnh tranh tốt hơn với công ty lớn.
Đảng Tiến bước cũng được nói đến nhiều trong cuộc bầu cử lần này, một phần nhờ nỗ lực thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ, táo bạo để thu hút cử tri trẻ. Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước, tuyên bố họ hiện có 300 chính sách và sẵn sàng thực thi để thay đổi đất nước.
Chẳng hạn về kinh tế, Đảng Tiến bước cam kết ủng hộ SME bằng cách giảm thuế cho những công ty đầu tư vào EEC, cho SME vay và giúp họ xâm nhập thị trường toàn cầu.
Cuộc đua khó lường
Trước cuộc bầu cử, mỗi đảng có thể đề cử tối đa 3 ứng viên thủ tướng và họ không cần phải là nghị sĩ đắc cử. Sau cuộc bầu cử, chỉ những ứng viên từ đảng giành được ít nhất 25 ghế mới được xem xét. 500 hạ nghị sĩ vừa được bầu và 250 thượng nghị sĩ được bổ nhiệm sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu chung của quốc hội để chọn ra thủ tướng. Để giành chiến thắng, ứng viên cần nhận được ít nhất 376 phiếu ủng hộ.
Trong danh sách ứng viên thủ tướng sáng giá có Thủ tướng Prayut Chan-ocha. Đầu năm nay, nhà lãnh đạo sinh năm 1954 này đã rời khỏi Đảng Palang Pracharath và hiện là ứng viên của UTN - đảng được thành lập vào tháng 8-2022. Trong khi đó, bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là 1 trong 3 ứng viên thủ tướng của Đảng Vì nước Thái. Đáng chú ý, nữ chính trị gia 36 tuổi này mới sinh con cách đây 2 tuần.
Ứng viên Đảng Tiến bước là lãnh đạo Pita Limjaroenrat - 42 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Harvard (Mỹ). Theo đài Al Jazeera, ông Limjaroenrat trở thành ứng viên thủ tướng được ưa thích hơn bà Paetongtarn trong các cuộc thăm dò gần đây.
Tham gia cuộc đua cho chiếc ghế thủ tướng còn có một số tên tuổi đáng chú ý khác như: Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, ông Jurin Laksanawisit (ứng viên Đảng Dân chủ)...
Xuân Mai
Bình luận (0)