7 đảng ở Thái Lan ngày 27-3 đã thông báo lập một liên minh mà họ cho là chiếm đa số ghế tại hạ viện trong cuộc bầu cử diễn ra 4 ngày trước đó. Đảng Pheu Thai, có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, tuyên bố dù hiện tại, số liệu vẫn tiếp tục thay đổi nhưng liên minh nêu trên nắm thế đa số (ít nhất 255/500 ghế) tại hạ viện và có quyền nỗ lực lập chính phủ mới.
Tham gia cuộc họp báo công bố liên minh trên có thủ lĩnh các đảng Pheu Thai, Hướng tới Tương lai, Pheu Chart, Prachachart, Seri Ruam Thai và Quyền lực Nhân dân Thái Lan. Đảng Pheu Thai cho biết đại diện của đảng thứ 7 là Đảng Kinh tế mới không thể đến cuộc họp báo nhưng cam kết sẽ tham gia liên minh này. Ngoài ra, bà Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo Pheu Thai và cũng là ứng viên thủ tướng, cho biết họ còn đang đàm phán về chuyện bắt tay với các đảng khác.
Thủ lĩnh một số đảng đối lập tại cuộc họp báo ở thủ đô Bangkok - Thái Lan ngày 27-3 Ảnh: Reuters
Tại sự kiện trên, các đảng đối lập đã ký tuyên bố chung phản đối chính quyền quân sự Thái Lan. Theo tờ The Straits Times (Singapore), cựu cảnh sát trưởng Seripisut Temiyavet, lãnh đạo Đảng Seri Ruam Thai, công khai yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức.
Kết quả chính thức của cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 sẽ không được công bố trước ngày 9-5. Ủy ban Bầu cử hiện chỉ mới tiết lộ 350 ghế theo khu vực bầu cử. Theo đó, Đảng Pheu Thai giành được 137 ghế, theo sau là Đảng Palang Pracharath thân quân đội giành 97 ghế, Đảng Bhumjaithai 39 ghế, Đảng Dân chủ 33 ghế và Đảng Hướng tới Tương lai 30 ghế. Trong số này, Đảng Bhumjaithai và Đảng Dân chủ được xem là đối tác liên minh tiềm tàng của Đảng Palang Pracharath. Dù vậy, danh sách 150 ghế còn lại, được tính theo tỉ lệ số phiếu mỗi đảng giành được trong bầu cử, vẫn chưa được công bố và liên minh các đảng nói trên thúc giục Ủy ban Bầu cử sớm làm điều này.
Hiến pháp mới của Thái Lan cho phép chính quyền quân sự lựa chọn hầu hết 250 ghế thượng viện. Ngoài ra, lưỡng viện quốc hội sẽ cùng nhau bỏ phiếu bầu thủ tướng. Do đó, về mặt lý thuyết, Đảng Palang Pracharath chỉ cần 126 ghế tại hạ viện để có đủ 376 phiếu cần thiết nhằm giúp ông Prayut tiếp tục nắm quyền. Nếu kịch bản này diễn ra và Đảng Pheu Thai vẫn duy trì liên minh trên sau khi có kết quả bầu cử chính thức, Thái Lan sẽ có một chính phủ thiểu số mong manh. Lãnh đạo Đảng Hướng tới Tương lai Thanathorn Juangroongruangkit cảnh báo một diễn biến như thế sẽ khiến đất nước hỗn loạn và xã hội đi vào ngõ cụt.
Theo hãng tin Reuters, hoài nghi đang bao trùm cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 sau khi kết quả không chính thức bị hoãn công bố đến ít nhất là ngày 29-3, bên cạnh những cáo buộc về tình trạng mua phiếu và kiểm phiếu trái quy định.
Trong bối cảnh vẫn còn quá sớm để biết được phe phái nào lập được chính phủ mới, giới chuyên gia nhận định cuộc cạnh tranh quyền lực kéo dài có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này. Theo trang Bloomberg, kinh tế Thái Lan vốn đang khá vững chắc trong ngắn hạn với dự trữ ngoại hối ở mức đủ khiến các thị trường mới nổi khác ghen tị, tiềm năng du lịch và kim ngạch xuất khẩu sang các nền kinh tế khác trong khu vực hồi năm ngoái tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, đằng sau những điểm sáng đó là không ít rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế, đòi hỏi chính phủ mới phải tìm giải pháp về lâu dài. Trước hết, năng suất lao động giảm và dân số lão hóa nhanh đang đẩy Thái Lan đến nguy cơ già trước khi giàu. Đầu tư sụt giảm cũng cho thấy sức hấp dẫn của Thái Lan đang giảm so với nhiều nước cùng khu vực. Tăng trưởng kinh tế "ổn định" ở mức bình quân 3,1% kể từ đầu năm 2014 không đủ sức đưa Thái Lan khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trước mắt, theo các chuyên gia, Thái Lan cần giải quyết bất ổn chính trị hiện tại để nhà đầu tư yên tâm. "Chính phủ liên minh càng ổn định, kinh tế Thái Lan càng hưởng tác động tốt" - bà Kattiya Indaravijaya, Giám đốc Ngân hàng Kasikornbank (Thái Lan), nhận định. Theo bà Kattiya, các đảng phái chính trị có chính sách kinh tế tương tự nên dù chính phủ mới có diện mạo thế nào, chính sách kinh tế cũng giống nhau.
Bình luận (0)