Dù giới doanh nhân và chính phủ nền kinh tế số 2 Đông Nam Á nhiều lần cam kết sẽ “làm sạch” nền công nghiệp thủy hải sản trị giá 7 tỉ USD/năm này nhưng hãng tin AP (Mỹ) vẫn phát hiện nạn nô lệ trong hàng loạt “ổ” sản xuất và chế biến tôm ở thành phố cảng Samut Sakhon, cách không xa thủ đô Bangkok.
Trong bài điều tra đăng tải hôm 14-12, một trong những ổ “nô lệ” bị phát giác là Nhà máy Gig Peeling với gần 100 lao động Myanmar bị nhốt suốt nhiều năm qua và phải bóc vỏ tôm 16 giờ/ngày bằng đôi tay tê cóng trong nước đá. “Họ không cho chúng tôi ngơi nghỉ lúc nào” - cô bé 16 tuổi Eae Hpaw chia sẻ. Đôi tay cô bé đầy những vết sẹo do nhiễm trùng và dị ứng khi làm tôm. Loạt bài điều tra kéo dài của AP đã giải cứu hơn 2.000 “nô lệ” như Eae Hpaw trong năm qua.
AP cho biết phóng viên của họ đã lần theo những chiếc xe tải chở đầy tôm từ các nhà máy “nô lệ” tới nhiều công ty xuất khẩu lớn của Thái Lan, trong đó có Thai Union. Giám đốc điều hành của Thai Union Thiraphong Chansiri thừa nhận những “sản phẩm lậu” có thể đã trà trộn vào chuỗi cung ứng của công ty. Phóng viên AP cho biết thêm sản phẩm của những công ty “có thể bị trà trộn” có mặt ở toàn bộ 50 bang của Mỹ cũng như hàng loạt siêu thị ở Đức, Ý, Anh và Ireland.
Bà Susan Coppedge, tân đại sứ của Bộ Ngoại giao Mỹ về chống buôn người, nói rằng người tiêu dùng có thể phản ứng bằng chính chiếc ví của mình, tức là tránh rút hầu bao cho những sản phẩm “nô lệ”.
Bình luận (0)