Lệnh mới quy định không được tụ tập đông người để bàn chuyện chính trị, ngoại trừ chuyện bầu cử hoặc làm rõ thông tin để tránh gây hiểu nhầm về vấn đề nào đó. Báo chí và các phương tiện truyền thông khác đều bị cấm đưa tin có nội dung làm gia tăng lo ngại trong công chúng hoặc bóp méo thông tin, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Đây là một số biện pháp cứng rắn của chính phủ sau khi đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn bạo động.
Người biểu tình cổ vũ và thổi còi trước bài phát biểu của lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban
tối 23-1. Ảnh: THE BANGKOK POST
Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO) sẽ chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp trên theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. CMPO có thể ngăn cấm đi lại ở một số tuyến đường nhất định hoặc sử dụng các phương tiện, và cấm sử dụng các tòa nhà. Trung tâm này cũng có thể ra lệnh sơ tán người khỏi khu vực nhất định để bảo đảm an toàn.
Phát biểu trong cuộc họp ngày 23-1, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung khẳng định không sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình vì chính phủ chỉ muốn duy trì hòa bình.
Trước mối đe dọa bị săn lùng và bắt giữ từ Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Thái Lan (PDRC), Thủ tướng Yingluck Shinawatra yêu cầu phe biểu tình tôn trọng các quyền và tự do cá nhân. “Chưa từng có một thủ tướng nào phải đối mặt với một tình huống như thế này” - bà Yingluck nói.
Cùng ngày, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tiếp tục dẫn đầu người biểu tình quanh các ngả đường trung tâm của Bangkok để thách thức lệnh cấm của chính phủ. Trong khi đó, Lãnh đạo PDRC Sathit Wongnongtoey cho biết ông nhận được tin báo ông Chalerm đã bí mật triển khai cảnh sát mặc thường phục ở một số địa điểm để bắt giữ lãnh đạo PDRC Suthep haugsuban.
Việc Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan hay chính phủ tạm quyền có quyền hoãn cuộc bầu cử tổng tuyển cử 2-2 hay không sẽ được Tòa án Hiến pháp Thái Lan phán quyết trong ngày 24-1. EC kêu gọi chính quyền của bà Yingluck chuyển thời điểm bầu cử từ ngày 2-2 sang ngày 4-5 để tránh tình trạng bất ổn.
Bình luận (0)