Tổng thống Donald Trump hôm 13-8 khẳng định ông quyết định hoãn áp thuế bổ sung đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì người tiêu dùng Mỹ. "Chúng tôi đang làm điều này vì mùa Giáng sinh năm nay, phòng trường hợp thuế quan có thể gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng Mỹ" - Tổng thống Donald Trump tuyên bố, vài giờ sau khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo sẽ hoãn áp thuế bổ sung đối với hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đến ngày 15-12, thay vì ngày 1-9 như kế hoạch ban đầu.
Trong một tuyên bố hôm 13-8, Chiến dịch chống thuế quan "Tariffs Hurt the Heartland" (Mỹ) đã hoan nghênh động thái trên, đồng thời nhấn mạnh đây là một sự thừa nhận của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc người tiêu dùng Mỹ đang phải gánh các mức thuế bổ sung.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) David French cảnh báo sự không chắc chắn vẫn chưa chấm dứt đối với doanh nghiệp Mỹ. Một số mức thuế bổ sung vẫn sẽ được áp dụng vào ngày 1-9; chúng sẽ khiến chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình Mỹ tăng lên và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ - ông French nói thêm.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, quyết định hoãn áp thuế nêu trên chí ít cũng là một tín hiệu tích cực bởi nó góp phần đưa tiến trình đàm phán trở lại quỹ đạo.
Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Washington vào tháng tới để tiếp tục đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin - điều mà Tổng thống Donald Trump từng khẳng định vào tuần rồi là "có thể sẽ không xảy ra".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ðại diện Thương mại Robert Lighthizer (giữa) gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hồi 31-7 tại Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Theo ông Gary Hufbauer ở Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), quyết định hoãn thuế nêu trên có thể sẽ khiến Trung Quốc nhượng bộ thêm một chút trong vòng đàm phán tới, nhiều khả năng là đồng ý mua thêm nông sản Mỹ. "Quyết định hoãn áp thuế đã giúp xoa dịu căng thẳng phần nào nhưng cần lưu ý đây không phải là một thỏa thuận hòa bình. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong vòng đàm phán tới" - ông Hufbauer khẳng định.
Theo AP, sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã hành động cứng rắn hơn, thay vì nhượng bộ. Bắc Kinh đã thực hiện điều mà các chuyên gia kinh tế khẳng định là "bắn phát súng cảnh báo" nhằm vào Washington bằng việc hạ giá đồng nhân dân tệ để đáp trả lời đe dọa của ông chủ Nhà Trắng. Cùng lúc, các công ty Trung Quốc hủy mua hàng tỉ USD đậu nành Mỹ trong khi các cơ quan quản lý của họ dọa đưa các công ty Mỹ vào "danh sách những thực thể không đáng tin cậy".
Sáu tháng trước, phái đoàn Trung Quốc từng thảo luận về một số động thái nhượng bộ Mỹ, như mở cửa thị trường và thay đổi các quy tắc kinh doanh, để đạt được thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, đến tháng 5, Bắc Kinh dường như không còn giữ được bình tĩnh trước điều mà họ khẳng định là "sự thay đổi liên tục của các thứ tự ưu tiên trong danh sách yêu cầu của Mỹ". Ðây cũng là giai đoạn đàm phán đổ vỡ.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí nối lại đàm phán hồi tháng 6, hai phía không cho thấy họ sẵn sàng thỏa hiệp. Điều này được thể hiện rõ trong vòng đàm phán gần đây nhất tại TP Thượng Hải - Trung Quốc, khi cả 2 không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Theo Wall Street Journal (WSJ), với quyết định hoãn áp thuế mới đây, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy "mức độ đau đớn" mà kinh tế Mỹ có thể chịu đựng và Bắc Kinh có thể tận dụng thước đo này để đạt được lợi ích trong các cuộc đàm phán tới.
Đấu khẩu về Hồng Kông
Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau của chính phủ Trung Quốc hôm 14-8 chỉ trích người biểu tình ở Hồng Kông không khác gì "những kẻ khủng bố" theo sau các vụ đụng độ bạo lực giữa họ và cảnh sát ở sân bay quốc tế Hồng Kông một ngày trước đó.
Chỉ trích mạnh mẽ này được đưa ra giữa lúc Bắc Kinh và Washington đang lời qua tiếng lại về tình hình đặc khu hành chính này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13-8 cho rằng những phát biểu gần đây của một số nghị sĩ Mỹ cho thấy mục tiêu thật sự của Washington là "kích động sự hỗn loạn" tại Hồng Kông. Theo Bắc Kinh, những phát biểu này còn là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự can dự của Mỹ vào chuyện nội bộ của thành phố này.
Phản ứng trước cáo buộc trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13-8 cho biết ông không hiểu tại sao Washington lại bị quy trách nhiệm cho những rắc rối tại Hồng Kông và kêu gọi tất cả bên liên quan bình tĩnh. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin cùng ngày nói với Reuters rằng chính quyền ông Donald Trump phải nói rõ Bắc Kinh sẽ đối mặt những hậu quả nghiêm trọng, trong đó Hồng Kông bị tước bỏ quy chế thương mại đặc biệt với Mỹ, nếu can thiệp và trấn áp người biểu tình ở đó.
Theo báo South China Morning Post, căng thẳng tại Hồng Kông được cho là một trong những nội dung thảo luận khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, tại TP New York hôm 13-8. Theo một số chuyên gia, Trung Quốc có thể yêu cầu Mỹ không can thiệp vào chuyện Hồng Kông trong lúc Washington kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế.
Hoàng Phương
Bình luận (0)