Trang Metropolis Japan cho hay trận động đất cường độ 9,0 kể trên được đánh giá là mạnh nhất từng xảy ra ở Nhật Bản. Nó xảy ra ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương thuộc vùng Tohoku lúc 14 giờ 46 phút ngày 11-3-2011, gây ra sóng thần và cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người.
Do cơ sở hạ tầng bị phá huỷ hoàn toàn nên người dân Tohoku phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Đã 10 năm trôi qua, người dân Tohoku vẫn đang trên hành trình khắc phục mất mát trong quá khứ.
Tàn tích của con phố chính Shizugawa, thị trấn Minamisanriku sau động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Ảnh: Place to Grow
Bà Angela Ortiz, giám đốc điều hành kiêm người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Place to Grow - chuyên làm việc với những người trẻ tuổi ở cộng đồng Tohoku gặp thiên tai - cho biết một trong những trở ngại ban đầu là hỗ trợ tài chính.
"Các công ty và chính phủ đã quyên góp cho những thị trấn 'an toàn nhất', chẳng hạn những thị trấn không bị mất nhiều tàu đánh cá. Điều đó gây ra khoảng cách lớn về tài chính giữa những thị trấn. Khoảng cách này vẫn còn rõ ràng cho đến ngày nay, trong đó một số thị trấn đi sau những thị trấn khác nhiều năm về khả năng tái xây dựng. Nhiều ngôi làng nhỏ hơn không đủ người để vực dậy" - bà Ortiz nói.
Tòa nhà ở TP Rikuzentakata này được giữ nguyên kể từ sau thảm họa để tưởng nhớ. Ảnh: Metropolis Japan
Một tòa nhà chung cư cũ còn sót lại sau thảm họa vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở TP Rikuzentakata. Ảnh: Metropolis Japan
Thêm vào đó, Nhật Bản chứng kiến vấn đề già hoá dân số trên toàn quốc. Số lượng người trẻ tuổi di cư đến các thành phố lớn hơn như thủ đô Tokyo ngày càng tăng do cơ hội học tập và việc làm cao hơn.
Đối với các thành phố dân số đông hoặc nhận trợ cấp nhiều hơn, 10 năm qua lại là một câu chuyện khác, làm dấy lên hy vọng về một tương lai tươi sáng. Một ví dụ là Rikuzentakata, thành phố ven biển ở tỉnh Iwate.
Sóng thần gần như quét sạch thành phố này khiến nó nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc tế về sự tàn phá do sóng thần gây ra. Nhưng một cái cây đơn độc sừng sững giữa đống đổ nát - được đặt tên là “Cây thông thần kỳ” - đã tượng trưng cho niềm hy vọng và sự kiên cường.
"Cây thông thần kỳ" nằm bên cạnh Công viên Tưởng niệm Takatamatsubara sống sót sau trận sóng thần mặc dù các tòa nhà xung quanh gần như bị cuốn trôi. Ảnh: Metropolis Japan
Sau đó, Rikuzentakata trở thành điểm nóng về "tái thiết sáng tạo", thuật ngữ do thị trưởng tỉnh Hyougo đặt sau trận động đất lớn Hanshin năm 1995. Chính quyền lên kế hoạch nâng thành phố lên cao hơn 12,3 m so với mực nước biển, xây dựng một bảo tàng tưởng niệm, các sân thể thao, đất canh tác bền vững, một khách sạn lớn và các cơ sở hạ tầng khác.
Mục đích dài hạn của kế hoạch là khuyến khích du lịch, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân quay trở lại khu vực này cũng như chuẩn bị đón du khách trước thềm Thế vận hội Tokyo 2020. Mặc dù những mục tiêu đó bị đại dịch Covid-19 cản trở nhưng Công viên Tưởng niệm Takatamatsubara hiện đã mở cửa để tưởng nhớ thảm họa Tohoku và giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của khả năng ứng phó thiên tai.
Công viên Tưởng niệm Takatamatsubara hiện đã mở cửa cho khách tham quan. Ảnh: Metropolis Japan
Trong vòng 5 năm tới, chính phủ Nhật Bản dự tính chi thêm 1,5 ngàn tỉ yen (gần 13,8 tỉ USD) để tái thiết Tohoku. Tuy nhiên, một số người cảm thấy chưa đủ.
Ông Seiji Komatsu, cư dân TP Morioka đã chuyển đến Tokyo, cho biết: “Trong 10 năm qua, chính phủ đã đầu tư hàng ngàn tỉ yen cho công việc tái thiết. Mọi người lo ngại về việc thảm họa bị lãng quên và quá trình tái thiết chậm đi. Từ góc độ kinh doanh, không biết các công ty có quay trở lại không?”.
Các thị trấn và làng mạc đã được nâng cao trên mực nước biển trong 10 năm qua. Ảnh: Metropolis Japan
Phần lớn cảnh quan ven biển của Tohoku vẫn cằn cỗi một cách kỳ lạ bất chấp nỗ lực xây dựng đê chắn sóng, nâng đất lên độ cao an toàn hơn và xây dựng các đường cao tốc mới để kết nối các thị trấn.
Những thửa đất lớn dành cho nhà ở và kinh doanh vẫn bỏ trống, trong khi những con đường dài ngoằn ngoèo thì im ắng.
Bãi biển hoang vắng ở thị trấn Ootsuchi. Ảnh: Metropolis Japan
Các đê chắn sóng cao 12,5 m được xây dựng trên phần lớn đường bờ biển của vùng Tohoku. Ảnh: Metropolis Japan
Công việc tái thiết vùng Tohoku vẫn tiếp diễn. Ảnh: Metropolis Japan
Theo bà Ortiz, sau một thảm họa thiên nhiên, mọi thứ sẽ không thể trở lại như trước đây. Giáo viên trung học ở TP Morioka, Miho Kasahara, lo ngại về áp lực mà các thế hệ trẻ đảm nhận nhiệm vụ hồi sinh Tohoku phải gánh vác. Những học sinh trải qua thảm họa Tohoku khi vào cấp 3 dường như trưởng thành và u uất hơn những đứa trẻ khác. Bởi đột nhiên, chúng không thể bé bỏng và phải mạnh mẽ đứng lên.
Bình luận (0)