Núi Paektu nằm ở biên giới Triều Tiên – Trung Quốc, là lựa chọn chiến lược cho phòng thủ. Là đỉnh núi cao nhất Triều Tiên, Paektu còn có một núi lửa vẫn còn nguy cơ phun trào. Theo truyền thuyết, người sáng lập đầu tiên của Triều Tiên – Tangun huyền thoại – đã giáng xuống núi Paektu 5.000 năm trước.
Ở chân núi Paektu có một căn nhà gỗ là nơi ông Kim Nhật Thành, người sáng lập Triều Tiên, dẫn dắt đất nước giành lại độc lập từ tay đế quốc Nhật hơn 70 năm trước. Câu chuyện về người lãnh tụ họ Kim tại núi Paektu được xem là cội nguồn của chính sử hiện đại Triều Tiên.
Căn nhà gỗ được cho là nơi gia đình ông Kim Nhật Thành sống ở Paektu. Ảnh: AP
Tranh khảm ông Kim Nhật Thành ở Paektu. Ảnh: AP
Tượng đồng ông Kim Nhật Thành sừng sững ở Paektu. Ảnh: AP
Cuộc đời của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành vẫn còn nhiều bí ẩn, hệt như đỉnh núi mờ sương của ngọn Paektu. Dù các sử gia nước ngoài còn nhiều tranh cãi quanh bộ tiểu sử 8 quyển do Triều Tiên ấn hành năm 2001, nhưng hầu như đều đồng tình rằng ông Kim Nhật Thành đã rút tỉa triết lý từ nhiều nguồn, từ đạo Cơ đốc, đạo Khổng, lý tưởng cộng sản đến “Thiên Quân giáo” bản địa, để phủ lên gia tộc mình nhiều huyền thoại nhằm củng cố quyền lãnh đạo.
"Kim đã biến cả gia tộc thành một thực thể thiêng liêng. Ông ấy biết rằng chính trị thần quyền sẽ tồn tại lâu hơn bất cứ kiểu chế độ nào” – nhà sử học Song Bong-sun tại Đại học Hàn Quốc nhận định.
Ông Kim Nhật Thành được sinh ra ở ngoại ô Bình Nhưỡng năm 1912 trong một gia đình nghèo rất sùng đạo Cơ đốc. Tên thật của ông là Kim Song Ju (tức “trụ cột quốc gia”). Trong hồi ký của mình, ông Kim viết ông thường theo mẹ đến nhà thờ. Tuy vậy, sau đó ông giảm nhẹ sự mộ đạo của mẹ mình bằng cách cho rằng bà chủ yếu xem nhà thờ là nơi để thư giãn đầu óc. Còn cha ông luôn khuyên con mình “tin vào đất nước và dân tộc hơn là Chúa Jesus”.
Khi ông Kim Nhật Thành chào đời, bán đảo Triều Tiên đã nằm dưới ách cai trị của người Nhật được hai năm. Người dân Triều Tiên buộc phải lấy tên Nhật và chỉ được nói tiếng Nhật. Năm ông được 6 tuổi, cha ông bị người Nhật tống giam. Ông viết người cha qua đời ở tuổi 31 đã để lại cho ông 2 khẩu súng và một nhiệm vụ giành lại đất nước.
Trong quyển hồi ký viết vào năm 1992 ở độ tuổi 80, ông Kim Nhật Thành kể ông cố của ông đóng vai trò quan trọng trong vụ tấn công nổi tiếng nhằm vào tàu Mỹ General Sherman trên sông Taedong năm 1866.
Đường đi được đào xuyên qua lớp tuyết dày. Ảnh: AP
Quần thể tượng trên Paektu. Ảnh: AP
Hầu hết tuổi thiếu niên, ông Kim Nhật Thành sống trong một trại tị nạn dành cho những người kháng chiến ở Trung Quốc. Tại đây, ông kể mình đã tự học chủ nghĩa cộng sản từ năm 13 tuổi. 14 tuổi, ông gia nhập học viện quân sự ở Cát Lâm và bắt đầu dấn thân vào các hoạt động chống Nhật.
Năm 1927, ông cùng các đồng sự quyết định chọn núi Paektu làm căn cứ. Năm 1929, ở tuổi 17, ông bị bắt giam. Khi được thả vào tháng 5 năm sau, ông bắt đầu tuyển mộ thành viên cho một đảng cộng sản mới. Triều Tiên hiện xem ngày ông Kim Nhật Thành thành lập Quân đội Du kích chống Nhật vào ngày 25-4-1932 là khởi nguồn của Quân đội nhân dân Triều Tiên ngày nay.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông lấy tên là Kim Il-sung (tức “Kim, mặt trời”). “Thật ra Kim Nhật Thành không phải là chiến sĩ đầu tiên chọn tên này. Trong một thập kỷ trước đó đã có 16 “Kim Il-sung” nổi tiếng là các chiến binh dũng mãnh” – nhà sử học Song Bun-song nói.
Những năm sau đó, tên ông được biết đến như “Mặt trời”, biểu tượng của quyền lực trong rất nhiều tôn giáo và truyền thống. Ngày sinh 15-4 của ông được gọi là “Ngày của mặt trời”.
Chiếc móng nai được dùng làm tay nắm cửa của căn nhà gỗ. Ảnh: AP
Lớp kính bảo vệ những câu chữ được khắc trên cây. Ảnh: AP
Ông Kim Nhật Thành gọi con trai Kim Jong-il là "người đàn ông vĩ đại như núi Paektu”. Truyền nhân đời thứ ba, Kim Jong-un, cũng bắt đầu kế thừa danh xưng này sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào tháng 12-2011.
Triều Tiên chính thức công bố ông Kim Jong-il sinh ở Paektu vào mùa đông năm 1942, nhưng nhiều nguồn thông tin khác cho rằng địa điểm chính xác là Siberia và thời gian là 1941. Theo tiểu sử chính thức, các lính du kích đã truyền tin đứa bé chào đời bằng những thông điệp viết trên vỏ cây khắp khu vực Paektu.
Vào thập niên 1980, hầu như chẳng có gì sót lại ở nơi từng dựng chiếc lán gỗ ở núi Paektu. Đến năm 1986, ông Kim Nhật Thành về đây và ra lệnh dựng lại chiếc lán như nguyên trạng năm 1937.
Ở Triều Tiên, không dễ gì đến được đỉnh Paektu. Xin giấy phép rất khó, phương tiện đi lại cũng không dễ tìm nên chỉ có những “chuyến đi nghiên cứu” đến đây. Dẫu vậy, theo người dẫn đường cho phóng viên hãng tin AP, sau khi ông Kim Jong-il qua đời đã có đến hàng chục ngàn người kéo đến đây tưởng niệm.
Bình luận (0)