Đáng chú ý, Onitsha, một thành phố cảng ở miền Nam Nigeria, đứng đầu bảng với nồng độ bụi PM10 (bụi có đường kính từ 10 micrometre trở xuống) trong không khí cao gấp 30 lần mức khuyến cáo của WHO.
Ba thành phố ô nhiễm khác của Nigeria bị nêu tên là Kaduna (hạng 5), Aba (hạng 6) và Umuahia (hạng 16). Hồi năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết 94% dân số Nigeria tiếp xúc mức ô nhiễm không khí cao hơn khuyến cáo của WHO và thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra tương đương 1% tổng thu nhập quốc gia.
Tiến sĩ Maria Neira, một quan chức WHO, cho đài CNN biết việc người dân sử dụng nhiên liệu rắn để nấu ăn và khí thải từ xe hơi cũ là 2 trong số những yếu tố góp phần khiến ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng ở Nigeria, nước đã qua mặt Nam Phi để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Phi năm 2014.
“Ở châu Phi, ô nhiễm gia tăng do kinh tế phát triển nhanh chóng nhưng thiếu công nghệ phù hợp. Chúng ta cần đánh giá nguồn ô nhiễm ở các thành phố, cũng như hoạch định tốt hơn hệ thống giao thông công cộng và loại bỏ xe cũ” - bà Neira gợi ý.
Bình luận (0)