Đúng một tuần sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Trung Quốc hôm 19-6 trong chuyến thăm được cho là nhằm thông báo với giới lãnh đạo nước chủ nhà về kết quả cuộc gặp và bàn về những bước đi tiếp theo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói nhiều về chuyến thăm kéo dài 2 ngày của ông Kim mà chỉ bày tỏ hy vọng sự kiện này củng cố quan hệ song phương và thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực. Theo AP, hai bên có thể thảo luận về tiến triển trong quá trình ngưng chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy những hỗ trợ về kinh tế.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng phu nhân Ri Sol-ju gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện. Ảnh: AP
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ảnh hưởng không nhỏ sau hậu trường nên không có gì lạ khi nhà lãnh đạo này muốn nghe ông Kim trực tiếp nói về kết quả cuộc gặp với ông Trump.
Theo bà Glaser, hai bên dự kiến bàn về hướng đi và những vấn đề nên được ưu tiên trong thời gian tới. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể muốn tham gia vào bất kỳ tiến trình đàm phán nào về việc ký kết hiệp ước hòa bình và tạo ra một môi trường trên bán đảo Triều Tiên sao cho binh sĩ Mỹ không cần ở lại Hàn Quốc nữa.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của ông Kim từ đầu năm đến giờ. Điều khác thường là truyền thông nước chủ nhà thông báo về chuyến đi mới nhất này không lâu trước khi máy bay chở nhà lãnh đạo Triều Tiên hạ cánh xuống Bắc Kinh, qua đó cho thấy ông Kim đang dần cảm thấy thoải mái với những chuyến công du nước ngoài. Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của nhà lãnh đạo này hồi tháng 3 diễn ra trong bí mật và chỉ được công bố sau khi ông trở về nước.
Một số nhà phân tích cho rằng việc sớm công khai thông tin nói trên cũng cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách "bình thường hóa" những chuyến thăm của ông Kim. Ngoài ra, theo AP, Trung Quốc có thể muốn tận dụng chuyến đi mới nhất để nêu bật vai trò quan trọng của mình trong nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân mà Washington đang theo đuổi.
Điều trùng hợp là ông Kim đến Bắc Kinh đúng vào ngày Lầu Năm Góc và Hàn Quốc thông báo dừng cuộc tập trận chung "Người bảo vệ tự do Ulchi" dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới. Năm ngoái, cuộc tập trận này có sự tham gia của 17.500 binh sĩ Mỹ và hơn 50.000 binh sĩ Hàn Quốc, với phần lớn nội dung tập trung vào những mô phỏng trên máy tính.
Chiếc xe được cho là chở ông Kim Jong-un tiến vào nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 19-6 Ảnh: REUTERS
Theo trang Bloomberg, cả hai diễn biến mới nói trên phần nào nêu bật thành công của ông Kim Jong-un trong việc giảm bớt tác động của chiến dịch "gây sức ép tối đa" do Washington dẫn đầu nhằm vào Bình Nhưỡng.
Riêng bước đi của Mỹ - Hàn còn phù hợp với nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy Washington và Bình Nhưỡng xây dựng niềm tin thông qua một loạt cử chỉ ngoại giao, quân sự có qua có lại. Trung Quốc lâu nay đề xuất Triều Tiên ngưng thử vũ khí và Mỹ - Hàn ngưng tập trận để khích lệ đối thoại.
"Quả bóng hiện được đưa trở lại sân của Triều Tiên. Nếu nước này phản ứng bằng những bước đi phi hạt nhân hóa chân thành, Mỹ - Hàn sẽ ngừng tập trận thêm nữa. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến các cuộc thảo luận về việc giảm bớt lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc" - ông Shin Beomchul, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) nhận định với trang Bloomberg.
Vấn đề là giữa Mỹ và Triều Tiên đang có dấu hiệu bất đồng về nhịp độ, trình tự của việc giải giới và nới lỏng trừng phạt. Cả ông chủ Nhà Trắng và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều khẳng định các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được nới lỏng sau khi Bình Nhưỡng phi hoạt nhân hóa hoàn toàn. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết ông Trump đã đồng ý về một tiến trình diễn ra từng bước một.
Bình luận (0)