Đó là ngày chiếc máy bay của hãng hàng không Kogalymavia (Nga) rơi xuống Ai Cập, làm chết 224 người. Nếu IS thực sự là thủ phạm - như một số nhóm ủng hộ rêu rao và tình báo Anh, Mỹ đánh giá là “khả năng cao nhất” - thì đây chính là một trong những vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm kịch 11-9-2001 trên đất Mỹ, theo đài CNN.
Không phải IS chưa từng vươn vòi ra khỏi lãnh địa của chúng ở Syria và Iraq. Nhưng triệt hạ một máy bay dân sự trên bầu trời - được CNN gọi là “mục tiêu đáng giá nhất của các nhóm khủng bố quốc tế” - sẽ chứng tỏ IS có khả năng hãm hại dân thường ở hầu như mọi nơi.
Nếu được chứng thực, sự kiện này chính là bước thay đổi đáng kể trong chiến lược của IS: Từ xây dựng đế chế Hồi giáo mở rộng ra thành khủng bố gây thương vong lớn nhằm vào thường dân.
“Lâu nay, IS thường xuyên kích động tấn công phương Tây nhưng đa phần là các vụ ra tay của “sói đơn độc”, ít có liên hệ với đầu não của chúng” - GS Daniel Byman của Trường ĐH Georgetown (Mỹ) lưu ý trên trang Slate.
Còn theo ông Aymenn al-Tamimi, chuyên gia của Diễn đàn Trung Đông, đánh bom máy bay thương mại là nước cờ cạnh tranh trực tiếp với al-Qaeda, mạng lưới khủng bố khét tiếng với kiểu tấn công này. Không chỉ al-Qaeda bị khiêu khích mà lực lượng an ninh khắp thế giới cũng bị đẩy ra trước một thách thức khổng lồ.
Vật dụng còn sót lại của các hành khách trên chuyến bay Nga rơi tại Sinai - Ai Cập
được thu dọn hôm 2-11 Ảnh: AP
Mỹ cùng đồng minh ném bom IS ở Iraq từ tháng 8-2014 và mở rộng sang Syria một tháng sau. Cuối tháng 9-2015, Nga tham gia cuộc chiến. Trên bộ ở cả Iraq và Syria có sự góp mặt của các lực lượng do Iran hậu thuẫn.
Kết quả? Thành trì của IS tại Mosul - Iraq và Raqqa - Syria chẳng mất mét đất nào. Đã vậy, IS còn đặt được “chi nhánh” ở Libya, Ai Cập (bán đảo Sinai), Afghanistan, Yemen… thông qua các nhóm phiến quân địa phương. Gần đây nhất, IS lần đầu tiên đe dọa Israel, theo AP. Đáng lo hơn khi nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) phác họa tham vọng của IS là bành trướng lãnh thổ cho tới khi châm ngòi một cuộc chiến tôn giáo toàn cầu.
Đài CNN cho rằng chính phủ Mỹ đã bảo vệ khá hiệu quả người dân trong 14 năm qua. Tổng thống Barack Obama cũng xem việc tước bớt ảnh hưởng của al-Qaeda là thành tựu hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng trước kịch bản một nhóm Hồi giáo cực đoan có động cơ và khả năng tấn công máy bay dân sự - như IS - xuất hiện, máy bay Mỹ không thể thoát khỏi tầm ngắm!
“Chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách đối phó. Quá khó để phòng thủ trước kiểu tấn công này, dù là ở nội địa Mỹ hay ở nước ngoài” - ông Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán về hòa bình Trung Đông của Mỹ, nói với đài CNN.
Mức độ nguy hiểm của IS càng tăng thì chính sách của ông Obama tại Trung Đông càng gập ghềnh. Dù nhiều lần tuyên bố không muốn để Mỹ rơi vào các cuộc chiến tốn kém đầy bất trắc ở nước ngoài nhưng gần đây, ông chủ Nhà Trắng buộc phải cho quân trở lại Iraq, tăng thời gian đóng quân ở Afghanistan và triển khai đặc nhiệm đến Syria.
Về phần Nga, hiện chưa rõ Moscow sẽ phản ứng ra sao dù giới phân tích không lạ gì đường lối cứng rắn “đuổi cùng giết tận” khủng bố của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, có một nghịch lý rất khó chịu mà GS Robert Pape của Trường ĐH Chicago (Mỹ) chỉ ra: “Nước nào can thiệp quân sự càng nhiều thì người dân nước đó càng dễ trở thành mục tiêu sát hại của IS”.
Bình luận (0)