Theo Tổng Thư ký LHQ António Guterres, dân số toàn cầu gia tăng trong bối cảnh thế giới ngày càng chia rẽ. Hàng trăm triệu người đang đối mặt nạn đói giữa lúc thế giới ghi nhận lượng người di cư cao kỷ lục nhằm tìm kiếm cơ hội, chạy trốn đói nghèo, chiến tranh và thiên tai.
Nếu không thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, theo Tổng Thư ký Guterres, thế giới 8 tỉ dân sẽ đầy rẫy căng thẳng, khủng hoảng và xung đột.
Các nhà hoạt động vì môi trường biểu tình phản đối sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở TP Lisbon – Bồ Đào Nha hôm 12-12 Ảnh: REUTERS
Những con số không biết nói dối. Nhóm 1% người giàu nhất thế giới "bỏ túi" 20% tổng thu nhập của lao động toàn cầu, trong khi tuổi thọ trung bình của người dân ở những nước phát triển nhất cao hơn 30 năm so với người dân ở những quốc gia nghèo khó nhất.
Giữa lúc biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 khoét sâu bất bình đẳng, xung đột Nga - Ukraine đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến an ninh lương thực, năng lượng và tài chính, đặc biệt là ở nhóm nước thu nhập thấp.
Đây vốn là những quốc gia gần như không có khả năng đầu tư vào phục hồi bền vững hậu COVID-19, chuyển đổi xanh, giáo dục và số hóa.
"Những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất sẽ hứng chịu tác động mạnh mẽ nhất. Nước nghèo không thể thích ứng theo cách của nước giàu" - chuyên gia Elin Charles-Edwards của Trường ĐH Queensland (Úc), khẳng định với đài ABC News.
Chuyên gia Charles-Edwards cũng cho biết mặc dù dân số thế giới đang tăng nhanh, tỉ lệ sinh lại trên đà giảm mạnh. Cuối cùng, xu hướng tăng sẽ bị đảo ngược, với tỉ lệ sinh thấp và dân số già. Khi đó, thế giới đối mặt hàng loạt vấn đề phát sinh liên quan đến thuế, lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…
Bình luận (0)