Gần 2 năm sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho đợt bùng phát đại dịch tiếp theo. Đó là nhận định được tổ chức Sáng kiến mối đe dọa hạt nhân và Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (đều tại Mỹ) đưa ra khi họ công bố Chỉ số An ninh Y tế toàn cầu (GHS) năm 2021 hôm 8-12.
Chỉ số này xếp hạng 195 quốc gia về sự chuẩn bị và năng lực ứng phó dịch bệnh và đại dịch với nhiều yếu tố được xem xét như hệ thống chăm sóc sức khỏe, nguồn nhân lực, phòng thí nghiệm, chuỗi cung ứng, hạ tầng, niềm tin vào chính phủ…
Theo đài CNN, kết quả cho thấy không quốc gia nào đạt điểm cao trong thang điểm từ 0-100. "Chỉ số GHS năm 2021 tiếp tục cho thấy tất cả quốc gia vẫn còn thiếu một số năng lực quan trọng, từ đó cản trở khả năng ứng phó hiệu quả với Covid-19 và sự sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa dịch bệnh và đại dịch trong tương lai. Điểm số trung bình của một quốc gia trong năm 2021 là 38,9/100, cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (40,2/100)" - báo cáo nhận định.
Đáng chú ý, hơn 90% quốc gia không có sẵn kế hoạch phân phối vắc-xin hoặc thuốc men khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra, nhiều nước chưa sẵn sàng ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh mới, như virus đã gây ra đại dịch hiện nay.
Theo báo cáo, 113 quốc gia "ít hoặc không chú ý đến" các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ngoài ra, 155 quốc gia đã không đầu tư vào việc chuẩn bị ứng phó đại dịch hoặc dịch bệnh trong vòng 3 năm qua và 70% đã không đầu tư vào các phòng khám, bệnh viện và trung tâm y tế cộng đồng.
Xét nghiệm Covid-19 tại TP New York - Mỹ hôm 8-12. Thành phố này đã ghi nhận ít nhất 13 ca nhiễm biến thể Omicron cho đến nayẢnh: REUTERS
Việc Mỹ là nước có điểm số cao nhất (75,9) trong bảng xếp hạng khiến một số chuyên gia ngạc nhiên, nhất là khi quốc gia này từng bị đánh giá là ứng phó kém với đại dịch Covid-19.
Dù vậy, bà Jennifer Nuzzo, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins và là một trong những tác giả của báo cáo, giải thích với tờ The New York Times rằng chỉ số GHS nhằm đo lường các công cụ, tài nguyên sẵn có của một quốc gia chứ không thể đoán trước chúng được sử dụng hiệu quả thế nào khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Báo cáo cũng chỉ ra những điểm yếu của Mỹ, như niềm tin thấp của công chúng đối với chính phủ, rào cản tài chính đối với chăm sóc sức khỏe, số lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe và số giường bệnh trên đầu người thấp hơn nhiều quốc gia có thu nhập cao khác…
Báo cáo trên được đưa ra ngay trong ngày Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước đánh giá lại các biện pháp ứng phó quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để đối phó biến thể Omicron.
Ông Tedros nhận định sự lây lan nhanh của Omicron trên thế giới (xuất hiện tại ít nhất 57 quốc gia và vùng lãnh thổ) có thể tác động mạnh mẽ đến đại dịch và cần phải khống chế nó ngay lúc này trước khi có thêm nhiều ca mắc biến thể mới phải nhập viện.
Ngoài ra, WHO cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá mức độ hiệu quả bảo vệ của các loại vắc-xin hiện hành đối với biến thể mới. Tổ chức này nói thêm sẽ công bố đánh giá về mũi tiêm tăng cường trong vài ngày tới nhưng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu lúc này vẫn là bảo đảm tiêm chủng đủ liều trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vắc-xin vẫn đang ở mức thấp tại phần lớn quốc gia đang phát triển.
Thuốc trị Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc
Cục Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc vừa cấp phép sử dụng hỗn hợp kháng thể của hãng Brii Biosciences để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi. Đây là thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên thuộc loại này được "bật đèn xanh" tại Trung Quốc. Dựa trên kết quả cuối cùng của cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, hãng Brii Biosciences (Trung Quốc) hôm 9-12 cho biết hỗn hợp kháng thể BRII-196/BRII-198 giúp giảm 80% tỉ lệ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng cao.
Trong khi đó, nghiên cứu mới của ông Hiroshi Nishiura, chuyên gia tại Trường ĐH Kyoto (Nhật Bản), cho thấy biến thể Omicron khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Delta 4,2 lần ở giai đoạn đầu dựa trên kết quả phân tích dữ liệu bộ gien có sẵn ở tỉnh Gauteng - Nam Phi tính đến ngày 26-11. Theo ông Nishiura, Omicron lây nhiễm mạnh hơn cũng như có khả năng tránh miễn dịch tự nhiên lẫn thông qua vắc-xin cao hơn.
Theo trang Bloomberg ngày 9-12, ông Nishiura thuộc số hàng trăm nhà nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua tìm hiểu Omicron đang gây nhiều lo ngại. Riêng ở Nam Phi, số ca mắc Covid-19 hiện tăng lên mức khoảng 20.000 ca/ngày kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên vào hai tuần trước. Đáng chú ý là trong những tuần trước đó, số ca mắc Covid-19 ở nước này vẫn ở mức thấp bất chấp chỉ 26% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Ông Nishiura nhận định: "Tỉ lệ tiêm chủng dưới 30% và nhiều người có lẽ đã có miễn dịch tự nhiên (tại Nam Phi). Chúng ta cần theo dõi sát các xu hướng trong tương lai để xem liệu điều tương tự có xảy ra ở các nước có tỉ lệ phủ vắc-xin mRNA cao hay không".
Xuân Mai
Bình luận (0)