Nếu bạn trải qua một năm 2018 ngập trong những tin tức bi đát về tình trạng nóng lên toàn cầu, bất bình đẳng, chính trị độc hại cùng nhiều mối căng thẳng khác, đừng quên thông tin tốt lành này: Thực ra thế giới vẫn tốt hơn vào năm ngoái và sẽ tiếp tục cải thiện trong năm nay.
Đói nghèo đang bị đẩy lùi trên toàn cầu; phân nửa thế giới hiện thuộc tầng lớp trung lưu, còn nạn mù chữ, dịch bệnh và bạo lực gây chết người giảm đi. Những tín hiệu vui này không xuất hiện rầm rộ trên báo chí bởi chúng diễn ra dần dần, liên tục và được xem là chuyện bình thường.
Chính vì vậy, chúng càng cần được nhấn mạnh. Những vấn đề chúng ta phải đối mặt hiện nay nhỏ hơn nhiều so với các khó khăn mà chúng ta đã vượt qua, đồng thời vẫn có thể được khuất phục bằng cùng giải pháp: Không phải ngồi cầu mong phép lạ mà dùng những kiến thức và công cụ trong tay để giải quyết từng chút một.
Trong lịch sử nhân loại được ghi nhận, hầu hết thời gian chúng ta sống bên bờ vực của nạn đói. Gần đây nhất là vào năm 1980, gần nửa thế giới chịu cảnh "nghèo cùng cực", tức không được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản - vốn được Ngân hàng Thế giới định giá ở mức 1,9 USD/ngày (theo giá USD năm 2011).
Nhưng tới năm ngoái, tỉ lệ người nghèo cùng cực trên thế giới giảm còn khoảng 8,6% và dựa trên tương quan giữa tăng trưởng và tình trạng nghèo khổ, tỉ lệ này chắc chắn tiếp tục giảm sâu trong năm nay.
Dĩ nhiên, chỉ chuyện thu nhập tăng lên thì chưa lột tả hết mức độ cải thiện của cuộc sống. Hai nhà kinh tế học Max Roser và Esteban Ortiz-Ospina viết vào năm 2017: "Nathan Rothschild chắc chắn là người đàn ông giàu nhất thế giới khi ông qua đời vào năm 1836. Tuy nhiên, ông lại chết vì nhiễm trùng - hiện có thể điều trị bằng vài liều kháng sinh chẳng đắt đỏ gì. Nói cách khác, chỉ có những người cực kỳ nghèo ngày nay mới chết vì cùng nguyên nhân với người giàu nhất thế kỷ XIX".
Ông Roser là người sáng lập "Our World in Data" (tạm dịch: Thế giới qua dữ liệu), trang web chuyên theo dõi sự phát triển của đời sống nhân loại trong vài thế kỷ gần đây. Xem xét các biểu đồ, bài viết và bộ dữ liệu trên trang này, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy đời sống đã tốt lên rất nhiều chỉ trong vài thập kỷ qua: Tỉ lệ trẻ em tử vong, nạn mù chữ và thiệt mạng do bạo lực đều bị kéo giảm trong khi tuổi thọ không ngừng tăng lên.
Nhân viên y tế Pakistan cho một bé gái uống vắc-xin ngừa bại liệt ở TP Karachi. Ảnh: AP
Căn bệnh đầu tiên mà thế giới xóa sổ là đậu mùa, vào năm 1980. Đến năm 2016, chỉ có 46 ca bại liệt mới được ghi nhận; sang năm 2017 chỉ có 25 ca nhiễm trùng giun Guinea mới (loài giun ký sinh gây đau đớn và làm bệnh nhân tàn tật). Những chiến thắng này không chỉ đến từ các đột phá trong phòng thí nghiệm mà còn là kết quả của quá trình áp dụng tỉ mỉ các biện pháp đã được chứng minh trong thực tế, như dùng vắc-xin và tăng cường giữ gìn vệ sinh.
Hầu hết thành tựu giảm nghèo xảy ra ở Trung Quốc, nơi thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 25 lần kể từ khi nước này bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1978. Tuy nhiên, hiện kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc. Nếu Ấn Độ duy trì đà tăng trưởng này và trong trường hợp dân số Ấn Độ sớm vượt qua Trung Quốc, đời sống nhân loại toàn cầu sẽ nhận được ảnh hưởng tốt đáng kể.
Cũng như bệnh tật, đói nghèo không bị nhổ rễ bằng phép mầu công nghệ mà thông qua các quy luật tăng trưởng cơ bản: Đầu tư thêm nữa vào nguồn vốn con người và vật chất, cởi mở với các thị trường và thương mại - đúng vậy đấy, toàn cầu hóa là hướng đi tốt - và cứ thế, thu nhập sẽ tăng.
Một khi tích lũy đủ tăng trưởng, thay đổi quan trọng sẽ xuất hiện. Tính tới tháng 9 năm ngoái, hơn phân nửa thế giới - tức khoảng 3,8 tỉ người - thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giàu, theo tính toán của 2 chuyên gia Homi Kharas (Viện Brookings ở Mỹ) và Kristofer Hamel (Công ty Phân tích xã hội World Data Lab ở Úc). Họ định nghĩa tầng lớp trung lưu là những người tiêu xài khoảng 11-110 USD/ngày (theo giá USD năm 2011).
Các hộ gia đình trung lưu có thể thoải mái rút hầu bao cho những vật dụng cần thiết như xe máy, tủ lạnh... hoặc các hình thức giải trí như xem phim, du lịch... Dĩ nhiên, tiền bạc và sống tốt không đồng nhất nhưng theo lưu ý của 2 ông Kharas và Hamel, việc "nâng cấp" từ nghèo lên trung lưu tương ứng với bước nhảy vọt trong thang đo hạnh phúc, đồng thời người dân cũng đòi hỏi các chính phủ nhiều hơn trong việc bảo đảm nhu cầu về nhà ở, giáo dục, chăm sóc y tế và an toàn an ninh.
Nhưng nếu thế giới đang tốt hơn, tại sao ai cũng có vẻ khổ sở như vậy? Riêng với Mỹ, có lẽ do tốc độ cải thiện đời sống ở đây chậm hơn ở những nước nghèo hơn. Mở rộng ra, người ta không nhận ra thế giới đang tốt lên là do họ bị đánh lạc hướng bởi cuộc chiến chống lại những vấn đề đang có chiều hướng tệ đi: chính trị phân cực và độc tài, nạn lạm dụng chất gây nghiện làm chết người, phổ biến vũ khí hạt nhân và trên hết là tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về những nguy cơ này lại chính là cách chúng ta giải quyết chúng. Về tình trạng nóng lên toàn cầu chẳng hạn, nhận thức cũng như mối lo ngại của công chúng tăng lên sau khi chứng kiến hàng loạt trận cháy rừng, lũ lụt... Quan trọng hơn, những công cụ chính sách và công nghệ có thể ngăn chặn các kịch bản tồi tệ nhất đến từ biến đổi khí hậu đều đã có, chúng ta chỉ cần đủ ý chí chính trị để áp dụng mà thôi.
Bình luận (0)