Đó là ghi nhận của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 27-2.
Người đứng đầu WHO cho biết số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 được xác nhận bên ngoài Trung Quốc ở các quốc gia như Hàn Quốc, Ý và Iran cho thấy khả năng lây lan của loại virus này và tất cả các nước cần có sự chuẩn bị.
Các nhân viên khử trùng làm vệ sinh một khu mua sắm ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Ông Tedros cảnh báo: "Thậm chí các nước phát triển cũng ngạc nhiên về sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Thông điệp của chúng tôi vẫn là nguy cơ chủng virus corona mới này có khả năng gây đại dịch".
Theo người đứng đầu WHO, sự lây lan của SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 không phân biệt biên giới, màu da hay sắc tộc. Nó không liên quan đến GDP hoặc mức độ phát triển của mỗi quốc gia. Vấn đề ở đây không chỉ là ngăn chặn dịch xâm nhập lãnh thổ mà còn là việc ứng phó thế nào nếu có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong vòng 24 giờ qua, WHO đã ghi nhận 7 quốc gia công bố các trường hợp nhiễm đầu tiên liên quan đến dịch Covid-19 gồm Brazil, Georgia, Hy Lạp, Bắc Macedonia, Na Uy, Pakistan và Romania.
Ông Tedros cho rằng các quốc gia này cần nhanh chóng có hành động ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Bên cạnh đó, ông Tedros cảm thấy phấn khởi trước những kết quả tích cực trong phòng chống dịch Covid-19 của một số quốc gia tính đến hôm 27-2 khi không có thêm trường hợp nhiễm bệnh mới nào được ghi nhận trong hơn 2 tuần qua như Bỉ, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Philippines, Nga, Sri Lanka và Việt Nam.
Cũng đánh giá cao công tác phòng dịch Covid-19 của Việt Nam, tờ Haaretz (Israel) đã có cuộc phỏng vấn một bác sĩ người Israel làm việc tại Việt Nam, qua đó nêu lên những kinh nghiệm mà Israel có thể học hỏi từ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh.
Ông Rafi Kot, bác sĩ người Israel, nhận định ban đầu Việt Nam bị bất ngờ trước dịch bệnh.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tuần kể từ ca lây nhiễm đầu tiên, Việt Nam đã làm được điều mà một số quốc gia khác chưa làm được để khống chế dịch bệnh. Việt Nam không có ca nhiễm mới kể từ ngày 13-2 và 16 người nhiễm đã hồi phục.
Bác sỹ Kot cho biết Việt Nam lựa chọn không cách ly các thành phố nhưng rất nhiều người lựa chọn ở nhà bởi vì lo lắng. Ngoài ra, số người cần xét nghiệm tăng vọt.
Bác sỹ Rafi Kot. Ảnh: FMP
Giải thích về việc không có ca nhiễm mới tại Việt Nam, bác sĩ Kot cho rằng người bệnh được đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. Họ được đưa đến một bệnh viện đã sơ tán hết người bệnh trước đó. Họ được cách ly nghiêm ngặt và chăm sóc với đội ngũ bác sĩ cùng những thiết bị đặc biệt. Theo bác sĩ Israel, có hai bệnh nhân mắc bệnh rất nặng nhưng tất cả đều đã bình phục.
CDC Mỹ đưa Việt Nam khỏi danh sách có nguy cơ lây lan
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế hôm 28-2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan dịch Covid-19.
Hiện danh sách các điểm đến có khả năng lây lan SARS-CoV-2 gồm có Singapore, Thái Lan và Đài Loan. Trong khi đó, CDC ban bố mức cảnh báo cao thứ 3 đối với Trung Quốc và Hàn Quốc, theo đó khuyến cáo công dân không đến những nước này nếu không cần thiết.
Mức cảnh báo thứ 2 của CDC gồm Iran, Ý và Nhật Bản. Theo mức cảnh báo này, 3 quốc gia trên đang chứng kiến sự lây nhiễm virus corona chủng mới. Loại virus này có khả năng lây từ người sang người và những người cao tuổi cũng như những người mắc bệnh mãn tính nên cân nhắc không đến những nước trên.
Mức cảnh báo thấp nhất của CDC gọi tên Hồng Kông, theo đó không khuyến cáo công dân Mỹ hoãn hoặc hủy chuyến đi đến địa điểm này nhưng cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Bình luận (0)