Nguy cơ dịch Ebola lây lan toàn cầu đang gia tăng sau khi ít nhất 2 hành khách đi máy bay bị cách ly tạm thời để kiểm tra ở Anh và Hồng Kông.
Âu - Á lo lắng
Bộ Y tế Anh hôm 30-7 cho biết một người đàn ông vừa từ Nigeria trở về TP Birmingham gần đây đã được xác định không nhiễm virus Ebola sau khi có những triệu chứng giống bệnh này. Dù vậy, Ngoại trưởng Philip Hammond vẫn lo ngại có ai đó nhiễm virus Ebola ở châu Phi và phát bệnh khi trở về Anh.
Một nguồn tin của Liên minh châu Âu (EU) cũng lo lắng: “Chúng tôi không thể loại bỏ khả năng có người nhiễm bệnh đến châu Âu nhưng EU có đủ phương tiện để khống chế nhanh chóng bất kỳ đợt bùng phát nào”.
Một nạn nhân của Ebola được đem đi chôn cất ở Foya - Liberia
Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo đài CCTV, một phụ nữ có những triệu chứng nhiễm virus Ebola đã bị cách ly để theo dõi ở Hồng Kông sau khi đi du lịch Kenya về. Dù kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy phụ nữ này không bị nhiễm virus nhưng nhà chức trách Hồng Kông hôm 30-7 cho biết sẽ cho cách ly những hành khách nào đi máy bay từ Guinea, Sierra Leone, Liberia đến hòn đảo và có những triệu chứng giống nhiễm Ebola.
Các nước có dịch bệnh bùng phát cũng đang đẩy mạnh nỗ lực đối phó. Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma ban bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp hôm 31-7, trong đó nêu rõ lực lượng an ninh sẽ được huy động để cách ly những khu vực có nhiều người nhiễm bệnh.
Bước đi này tương tự những gì nước láng giềng Liberia công bố một ngày trước, theo đó sẽ đóng cửa trường học và cân nhắc cách ly một số cộng đồng.
Ngoài ra, tổ chức thiện nguyện Peace Corps thông báo tạm thời rút 340 người tình nguyện khỏi Guinea, Liberia và Sierra Leone sau khi 2 nhân viên của họ bị phơi nhiễm virus Ebola.
Chưa có chiến lược đối phó
Kể từ khi bùng phát hồi tháng 2-2014, dịch Ebola cho đến giờ đã giết chết ít nhất 670 người tại Guinea, Sierra Leone, Liberia và 1 người tại Nigeria. Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) cảnh báo dịch Ebola ở Tây Phi sẽ trầm trọng hơn trong khi chưa có chiến lược đối phó toàn diện.
Ông Bart Janssens, Giám đốc hoạt động của MSF, nói với báo La Libre Belgique: “Dịch bệnh này chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn vượt tầm kiểm soát. Dịch vẫn đang lây lan, nhất là tại Liberia và Sierra Leone. Nếu tình hình không được khống chế, những ca nhiễm bệnh sẽ xuất hiện tại nhiều nước khác”.
Trong khi đó, bác sĩ người Anh Benjamin Black đang tình nguyện điều trị bệnh nhân Ebola ở Sierra Leone cho biết nhân viên y tế tại đây đang quá tải. “Thách thức hàng đầu là thiếu hạ tầng và nguồn lực y tế để đối phó dịch bệnh” - ông nói với báo Metro.
Một tổn thất không nhỏ là Sierra Leone vừa mất bác sĩ Sheik Umar Khan, chuyên gia hàng đầu về virus Ebola, hôm 29-7, tức chỉ chưa đầy một tuần sau khi ông bị chẩn đoán mắc căn bệnh chết người này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa đưa ra khuyến nghị về hạn chế đi lại hoặc đóng cửa biên giới do dịch Ebola. Cơ quan này còn nhận định mối đe dọa đối với những hành khách đi chung máy bay với người nhiễm Ebola là không cao.
Lời trấn an này được đưa ra giữa lúc có thông tin giới chức y tế Nigeria đang tìm kiếm đến 30.000 người có nguy cơ phơi nhiễm virus Ebola, bao gồm khoảng vài trăm người ngồi chung với một nạn nhân Ebola tên Patrick Sawyer trên 2 chiếc máy bay trước khi ông tử vong tại Lagos - Nigeria cuối tuần trước.
Những người trong diện tìm kiếm còn là bất kỳ ai có mặt tại 4 sân bay vào thời điểm ông Sawyer có mặt và cả những người tiếp xúc với ông ta tại Lagos.
Dù có những triệu chứng nôn mửa và bị tiêu chảy, ông Sawyer vẫn được phép lên máy bay ở Liberia, rồi dừng chân ở Ghana, đổi máy bay ở Togo trước khi kết thúc hành trình ở Nigeria.
Bình luận (0)