Vết nứt trên, xuất hiện tại Thềm băng Larson C, có thể tạo ra một tảng băng trôi lớn nhất từ trước đến nay.
Một khi tách ra hoàn toàn khỏi lục địa, tảng băng này có thể có diện tích lên đến hơn 80.200 km2, bằng khoảng 10% diện tích của thềm băng và lớn hơn cả bang Rhode Island của Mỹ.
Nhóm Project MIDAS cho hay đây là lần nứt nhanh nhất mà họ quan sát được từ hồi tháng 1 và việc Thềm băng Larson C bị tách vỡ sẽ thay đổi mạnh mẽ cảnh quan của lục địa và khiến khối băng còn lại trở nên không ổn định.
Theo nhóm nghiên cứu, Mặc dù vết nứt có thể không phải do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra nhưng sự tan rã của các thềm băng Nam Cực góp phần làm dâng mực nước biển và đe dọa các thành phố ven biển.
Vết nứt khổng lồ chạy dài trên Thềm băng Larson C ở Nam Cực. Ảnh: AP
Tình trạng nước biển dâng cao gây nguy hiểm cho các thành phố đông dân như New York, San Francisco, New Orleans và Miami (đều ở Mỹ) và có thể khiến 13,1 triệu người Mỹ phải di chuyển khỏi các khu vực ven biển vào năm 2100.
Những lo ngại về mực nước biển là một trong rất nhiều yếu tố thúc đẩy mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia của nhóm Project MIDAS dự đoán Thềm băng Larson C sẽ nứt vỡ tương tự như Thềm băng Larson B vào năm 2002.
"Hiện tượng này có thể diễn ra một cách chậm rãi. Khi vết nứt vỡ ra hoàn toàn, tảng băng sẽ chỉ bắt đầu trôi đi chỗ khác" - các nhà khoa học của nhóm cho biết. Dù chưa biết chính xác khi nào vết nứt sẽ tách tảng băng khổng lồ ra khỏi Thềm băng Larson C nhưng nhóm Project MIDAS cho rằng rất khó ngăn chặn điều này xảy ra.
Bình luận (0)