Vụ rò rỉ tài liệu khổng lồ nêu trên đã rọi tia sáng lẻ loi vào thế giới tăm tối của những quỹ đầu tư ủy thác phức tạp, những quỹ quản lý và công ty cho thuê tài chính mà các nhà tài phiệt, người nổi tiếng và doanh nghiệp lớn sử dụng để che giấu tài sản.
Năm 2013, Thủ tướng Anh khi đó, ông David Cameron, hứa tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland rằng Anh sẽ công khai đầy đủ các lợi ích của doanh nghiệp cho công chúng. Bốn năm sau, thiên đường thuế tại các lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh vẫn mù mờ như xưa.
Ngân hàng trên đảo Man, được xem là một thiên đường thuế Ảnh: REUTERS
Một nguyên nhân khiến ý định trên bất thành là Đạo luật Nhân quyền ở Anh, có hiệu lực từ năm 2000. Một liên minh hùng mạnh của các doanh nghiệp lớn, người siêu giàu đã sử dụng luật sư, nhà vận động hành lang để lợi dụng đạo luật này nhằm bảo đảm thiên đường thuế giữ kín danh tính thực sự của những người được hưởng lợi từ thuế suất thấp.
Chẳng bao lâu sau khi ông Cameron thông báo kế hoạch trên, hãng luật Appleby - chủ sở hữu nhiều tài liệu bị rò rỉ trong vụ Hồ sơ Thiên đường - cảnh báo các chính phủ đang "làm xói mòn" nỗ lực bảo vệ sự riêng tư.
Tại đảo Man (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh), các nhà tài phiệt và tỉ phú bí ẩn bao biện rằng nhân quyền của họ sẽ bị xâm phạm nếu thiên đường thuế này công bố danh tính họ. Trong khi đó, những doanh nghiệp sử dụng nơi này là thiên đường thuế lập luận họ "chịu ảnh hưởng bất lợi do mất đi sự riêng tư". Họ cũng cảnh báo sự riêng tư của các nhà đầu tư vào những công ty đang hoạt động hợp pháp nhưng có thể gây tranh cãi, sẽ bị tổn hại.
Thế là một đạo luật lẽ ra phải bảo quyền lợi của người yếu trước kẻ mạnh lại bị các cố vấn pháp lý sử dụng để bảo vệ tài sản và danh tiếng các khách hàng của mình trong 17 năm qua.
Bình luận (0)