Trong một cửa hàng đồ hạ giá cũ kỹ nằm ngay góc khu buôn bán kinh doanh Sioux Falls, bang Nam Dakota - Mỹ, con cháu thừa kế đế chế kẹo cao su đình đám thế giới William Wrigley có một văn phòng cho quỹ tín thác của gia đình.
"Thụy Sĩ mới"
Nhà Carlson - chủ nhân chuỗi khách sạn thuộc hàng lớn nhất thế giới - hay gia đình của huyền thoại toán học quá cố John Nash… cũng có những văn phòng tương tự. Chúng nằm trong số 40 công ty tín thác cùng chia sẻ một địa chỉ - số 201 đại lộ Nam Phillips, nơi tọa lạc một tòa nhà gạch trắng 2 lầu. Bên trong tòa nhà có vẻ khiêm tốn đó, khối tài sản tín thác được cai quản trị giá tới 80 tỉ USD.
Nam Dakota vốn nổi tiếng với các bức tượng 4 vị tổng thống kiệt xuất của Mỹ tạc vào vách núi Rushmore, gần thị trấn Keystone. Dân số khá khiêm tốn, với 858.469 người - xếp thứ 46 của Mỹ, song bang miền Trung Tây này đã trở thành "nam châm" hút của cải của giới siêu giàu - những người muốn thành lập các quỹ tín thác để bảo vệ tài sản khỏi bị đánh thuế và những sự vụ phân chia tài sản do ly hôn ngoài mong đợi.
Tài sản các quỹ tín thác ở Nam Dakota đã tăng từ 32,8 tỉ USD năm 2006 lên hơn 226 tỉ USD năm 2014, theo số liệu từ cơ quan giám sát nhà băng của bang. Số lượng các công ty tín thác cũng tăng từ 20 đơn vị năm 2006 lên 86 trong năm 2016.
Thiên đường thuế thầm lặng này của Nam Dakota đã bắt đầu bị để mắt tới nhiều hơn sau vụ rò rỉ 11 triệu tài liệu của Hồ sơ Panama chấn động hồi năm ngoái của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Trớ trêu thay, sau nhiều năm lên giọng chỉ trích Thụy Sỹ và các ngân hàng nước ngoài đã giúp người Mỹ giấu tiền, nay Mỹ lại đối mặt cáo buộc cung cấp những dịch vụ tương tự cho phần còn lại của thế giới! "Mỹ trở thành một Thụy Sĩ mới" - ông David Wilson từ công ty luật Schellenberg Wittmer ở Thụy Sĩ chua chát.
Các công ty quỹ tín thác đặt trụ sở ở Nam Dakota dù chỉ có hơn 200 nhân viên nhưng tài sản lên tới 226 tỉ USD Ảnh: RAPID CITY JOURNAL
Theo trang Financial Times, Mỹ có lịch sử thu hút tiền từ các nguồn bí mật ở nước ngoài từ lâu. Năm 2011, Hiệp hội Ngân hàng Florida đã cảnh báo với Quốc hội Mỹ rằng có tới hàng trăm tỉ USD tiền gửi nước ngoài nằm trong hệ thống ngân hàng của nền kinh tế số 1 thế giới. Bởi lẽ, trong suốt hơn 90 năm qua, chính phủ đã khuyến khích người nước ngoài gửi tiền vào ngân hàng Mỹ thông qua chính sách miễn thuế cũng như không cần "trình bày" nhiều.
Hãng tư vấn quản lý toàn cầu Boston Consulting Group ước tính khoảng 800 tỉ USD tài sản của nước ngoài đang được cất giữ tại Mỹ và một nửa trong số đó có nguồn gốc từ Mỹ Latin. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với 2.700 tỉ USD ở Thụy Sĩ song dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6%/năm - nhanh hơn bất kỳ "thiên đường thuế" nào khác, trừ Hồng Kông và Singapore.
Luật sư Brice Zagaris của hãng Berliner, Corcoran & Rowe ở Washington cho rằng ngành công nghiệp "giấu giùm" tài sản nước ngoài của Mỹ thậm chí còn lớn hơn so với tưởng tượng của nhiều người. "Tôi cho rằng Mỹ đã là trung tâm cất giữ tài sản nước ngoài lớn nhất thế giới. Mỹ đã thực sự thành công trong việc vô hiệu hóa cạnh tranh từ các nhà băng Thụy Sĩ" - luật sư này nhận xét.
Nơi ít người nghĩ đến nhất
Những quy định quốc tế đưa ra năm 2014 nhắm vào các thiên đường thuế đã lộ tẩy lại vô tình tiếp sức cho dòng tiền nước ngoài đổ vào các thiên đường thuế của Mỹ khi những quy định này được áp dụng ở hầu hết các quốc gia, trừ Mỹ. Đất nước đầu tàu kinh tế thế giới có luật lệ riêng nhưng những luật lệ đó lại có các lỗ hổng, tạo điều kiện thuận lợi cho những quỹ tín thác nhan nhản ở Nam Dakota.
Trong năm 2016, Nhà Trắng đã có những đề xuất nhằm buộc các công ty tiết lộ nhiều thông tin hơn về chủ sở hữu. Thế nhưng, đề xuất này cũng được cho là không mấy ảnh hưởng tới các thiên đường thuế trong nước. Các quỹ có thể né được những quy định ở cả Mỹ và quốc tế nếu như chủ sở hữu chỉ định một người ủy thác địa phương và một người "giám hộ" nước ngoài để hướng dẫn người được ủy thác.
Thậm chí, trước khi lọt vào mắt xanh của giới nhà giàu nước ngoài, ngành công nghiệp quỹ tín thác của Nam Dakota đã nở rộ. Với chính sách không thuế thu nhập cá nhân hay doanh nghiệp cùng luật bảo vệ tài sản vững vàng, Nam Dakota nhanh chóng nhảy vọt lên dẫn đầu bảng xếp hạng những nền công nghiệp quỹ tín thác - vị trí mà các "thiên đường thuế" khác của Mỹ như Nevada, Delaware và Alaska cũng cạnh tranh quyết liệt.
Ở Nam Dakota, phản ứng của cư dân với nền công nghiệp quỹ tín thác khá mâu thuẫn. Một số người không thích quê hương mình mang tiếng "thiên đường thuế", trong khi nhiều người khác lại tỏ ra tự tin về môi trường pháp lý hết sức mời gọi đại gia nước ngoài của bang này.
"Trong một thế giới ngày càng khó che giấu tài sản, đôi khi nơi dễ dàng nhất chính là nơi ít người nghĩ đến nhất, đó chính là Mỹ" - ông Christopher Holtby, nhà đồng sáng lập công ty quỹ tín thác Wealth Advisors ở Pierre - thủ phủ Nam Dakota, tự hào.
"Thiên đường" hết thời
Chịu ảnh hưởng nặng nề từ thu nhập vì giá dầu mỏ sụt giảm, 6 quốc gia vùng Vịnh sẽ ban hành thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm tới, qua đó chấm dứt hàng thập kỷ gắn liền với biệt danh "thiên đường thuế" của khu vực giàu dầu mỏ này. Hãng tư vấn và kế toán Deloitte nhận định động thái này đánh dấu sự khởi đầu của một số thay đổi kinh tế - xã hội kích thích và kịch tính nhất trong khu vực kể từ khi phát hiện dầu mỏ hơn nửa thế kỷ trước. Thế nhưng, việc lần đầu tiên áp thuế GTGT cũng được cho là sẽ đẩy giá cả ở khu vực lên cao.
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hồi đầu tháng 10 đã tăng gấp đôi giá thuốc lá và tăng 50% giá nước giải khát, trước khi thuế GTGT được áp dụng với nhiều hàng hóa và dịch vụ từ ngày 1-1-2018. UAE là một trong 6 nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhất trí áp dụng thuế GTGT 5% vào năm tới giữa lúc các bên đều đang tìm cách hồi phục kinh tế. Ngoài UAE, Ả Rập Saudi cũng vừa khẳng định sẽ triển khai thuế GTGT từ ngày đầu tiên của năm 2018. Các nước còn lại của GCC - bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar - dự kiến cũng có các bước đi tương tự.
Kỳ tới: Vòng tròn ma thuật
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-11
Bình luận (0)