Khủng hoảng Ukraine không những thúc đẩy NATO mở rộng, mà còn tạo động lực để các nước gia tăng chi tiêu quân sự. Toàn bộ thành viên NATO đang trên đường đáp ứng cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Tương tự NATO, Liên minh châu Âu (EU) cũng thu hút sự quan tâm của các thành viên mới. Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU vài ngày sau khi xung đột nổ ra, sau đó là Georgia và Moldova.
EU được cho là đã trở nên đoàn kết và mạnh mẽ hơn, nhất là trong việc trừng phạt Moscow và giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga. Nỗi lo về an ninh năng lượng còn giúp đẩy nhanh nỗ lực chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế ở châu Âu.
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại TP Kherson - Ukraine hôm 22-2. Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột cũng khiến hàng triệu người dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 8 triệu người Ukraine tị nạn khắp châu Âu, tương đương gần 20% dân số nước này trước khi giao tranh nổ ra.
Nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu nhận định diễn biến trên sẽ tác động sâu rộng đến Ukraine và khả năng tái thiết của quốc gia này.
Đối mặt sức ép của phương Tây, Nga cũng có nhiều thay đổi để thích nghi với trừng phạt, như tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế và khách hàng mới cho dầu khí. Về đối ngoại, động thái đáng chú ý mới nhất của Moscow là tạm dừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng giữa Nga và Mỹ.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23-2 thông báo Moscow sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc củng cố "bộ ba hạt nhân".
Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat (loại vũ khí có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân) sẽ được triển khai trong năm nay. Ngoài ra, Moscow sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt tên lửa Kinzhal siêu thanh phóng từ trên không và sẽ bắt đầu cung cấp hàng loạt tên lửa siêu thanh Zircon phóng từ biển.
Bình luận (0)