Khó có thể tìm lại sự bình yên khi lực lượng an ninh ở tất cả quốc gia đều chưa có lời giải cho câu hỏi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã leo tới đâu trong khả năng “nhân bản” các cuộc tấn công vào trái tim nước Pháp.
Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-11 tiết lộ đã phá một âm mưu tấn công quy mô “lớn” tại Istanbul vào cùng ngày xảy ra các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris. Năm đối tượng bị bắt giữ, trong đó có Aine Lesley Davis, kẻ bị nghi là đồng bọn của “John thánh chiến” - tên đao phủ khét tiếng của IS - có thể vừa bị Mỹ tiêu diệt.
Nhà báo Gordon Corera, chuyên gia phân tích an ninh của đài BBC, cho rằng nỗi lo ngại càng chồng chất bởi thực tế khó tin là tình báo phương Tây dường như không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào về âm mưu của vụ khủng bố nhằm vào nước Pháp dù đổ không biết bao nhiêu tiền của cho nhân lực và những thiết bị do thám tối tân.
Hôm 16-11, IS tiếp tục phát tán video cảnh báo các nước tham gia tấn công tổ chức này trên lãnh thổ Iraq và Syria sẽ phải chịu số phận giống Pháp. Video cũng nhấn mạnh đe dọa tấn công vào Washington. Cùng ngày, theo Telegraph, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố Anh Mark Rowley đã phải lên tiếng trấn an dân chúng: “Chúng ta không thể để khủng bố đánh bại vì nỗi sợ hãi đến mức tự khép mình trong nhà” - ông Rowley nhấn mạnh.
London đang phát động chiến dịch phòng bị an ninh lớn nhất trong 10 năm qua - kể từ vụ đánh bom năm 2005 ở London, sau khi các nguồn tin chống khủng bố tiết lộ có tới 450 công dân nước này vừa trở về từ Syria sau khi “bán linh hồn” cho IS. Anh cũng lên kế hoạch tuyển thêm 1.900 nhân viên an ninh và tình báo.
Nằm sát nước Pháp, Bỉ đang trở thành điểm nóng trên bản đồ khủng bố châu Âu. Bên ngoài thủ đô Brussels là khu Molenbeek, vốn khét tiếng là “thủ đô thánh chiến của châu Âu” và cung cấp phần tử cực đoan cho các cuộc xung đột ở Algeria, Afghanistan, Bosnia cũng như ở Syria và Iraq. Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị tình nghi là chủ mưu vụ tấn công Paris, cùng 3 kẻ liên quan khác đều xuất thân từ Molenbeek. Nhiều kẻ cực đoan mua vũ khí tại đây, như Amedy Coulibaly - kẻ tấn công một siêu thị ở Paris sau vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1-2015.
Châu Á cũng lo lắng không kém châu Âu. Giới chức Trung Quốc hôm 15-11 cho biết một số phần tử khủng bố nước này đã gia nhập IS ở Iraq và Syria rồi được huấn luyện trước khi trở về quê hương để tấn công thánh chiến. Sau vụ khủng bố ở Paris, Bắc Kinh đã ra lệnh cảnh sát và lực lượng chống khủng bố nước này tăng cường an ninh và kiểm soát việc sử dụng vũ khí trên cả nước.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết nước này đang tăng cường an ninh nhằm bảo đảm an toàn cho hơn 3.000 đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 (ASEAN 27), diễn ra từ ngày 18 đến 22-11. Bộ phận chống khủng bố của cảnh sát Malaysia đang trong tình trạng báo động cao giữa lúc nổi lên thông tin IS đã đưa một số nhà lãnh đạo nước này vào tầm ngắm, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein.
Tờ New Straits Times ngày 16-11 đưa tin cảnh sát Malaysia vừa bắt giữ 5 người đàn ông, trong đó có 1 người Indonesia, được cho là từng tham gia các hoạt động của phiến quân ở bang Selangor và Johor; 3 trong số đó có thể có liên quan tới IS.
Bình luận (0)