Hồi tháng 1-2018, hai phụ nữ trẻ có cằm và nụ cười giống nhau gặp mặt lần đầu tại một công viên ở TP Phoenix, bang Arizona - Mỹ và trực giác cho biết họ có quan hệ máu mủ.
Tò mò về nguồn gốc
Hai phụ nữ cùng 28 tuổi nói trên là Courtney McKinney, sống ở bang Texas, và Alexandra Sanchez, bang Arizona. Từ lâu, họ đều biết mình có mặt trên đời này nhờ tinh trùng được hiến tặng nhưng không biết người cha sinh học là ai. Kết quả kiểm tra ADN sau đó xác nhận trực giác trên là đúng: Họ chào đời với sự giúp đỡ của cùng một người hiến tặng tinh trùng.
Ra đời cách đây gần 30 năm nhờ việc hiến tặng tinh trùng, hàng chục ngàn người như McKinney và Sanchez thuộc về một thế hệ khác biệt. Thế hệ ra đời trước họ không hề biết đến người cha sinh học hoặc bất cứ anh chị em nào có cùng cha với mình. Dù vậy, sự gia tăng của việc xét nghiệm ADN khiến cho tình trạng ẩn danh của người hiến tặng tinh trùng trở nên ít chắc chắn hơn nhiều vào lúc này.
McKinney bắt đầu thắc mắc về nguồn gốc của mình lúc còn là thiếu nữ sau khi biết rõ mọi chuyện. "Tôi nhớ mình đã khóc khi khám phá ra sự thật. Lúc đó tôi cảm thấy mình là một vật thí nghiệm khoa học. Tôi không được hình thành từ tình yêu giữa hai người" - người phụ nữ này kể lại. Dù vậy, không lâu sau đó, cô bắt đầu suy nghĩ về người cha, như ông có ngoại hình ra sao và liệu tính cách của ông có giống mình hay không?
Thực tế là những đứa con sinh ra từ tinh trùng hiến tặng ngày càng tò mò về nguồn gốc của chúng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Human Reproduction năm 2011 nhận thấy 82% người ra đời nhờ phương thức này bày tỏ hy vọng một ngày nào đó sẽ tiếp xúc với người hiến tặng tinh trùng. Lý do phổ biến nhất là họ muốn biết ông trông thế nào. Cuộc khảo sát tương tự năm 2010 cho thấy 92% người tích cực tìm kiếm người cha sinh học hoặc anh chị em có cùng cha hoặc cả hai.
Dĩ nhiên là không ít cha mẹ từng áp dụng phương pháp hiến tặng tinh trùng nổi giận trước ý nghĩ một người hiến tặng ẩn danh nào đó bất ngờ xuất hiện trong cuộc đời con cái họ. Ngoài ra, một số người hiến tặng cũng không thích lộ diện. Những quy định hướng dẫn đối với hiến tặng tinh trùng trong phần lớn thế kỷ XX cho thấy việc giữ kín danh tính người hiến tặng được coi trọng hơn khao khát biết rõ sự thật của con cái họ.
Alexandra Sanchez (trái) và Courtney McKinney có cùng người cha sinh học Ảnh: THE ATLANTIC
Giải pháp tốt nhất có thể
Chuyện hiến tặng tinh trùng đã có cách đây hơn 100 năm. Một trong những trường hợp hiến tặng tinh trùng sớm nhất được ghi nhận ở phương Tây hồi năm 1884. Khi đó, một bác sĩ ở TP Philadelphia - Mỹ thụ tinh cho một phụ nữ bằng tinh trùng được người sinh viên "quyến rũ nhất" của ông hiến tặng.
Việc làm này trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau Thế chiến II (1946-1964) dù nó vẫn thường là chuyện mà các cha mẹ giữ kín với con cái và những người khác "để giúp người chồng thoát khỏi lời đàm tiếu vô sinh còn đứa trẻ tránh được sự dị nghị" - theo một bài báo đăng trên Tạp chí The New Atlantis năm 2008. Vì thế, bí mật này vẫn còn là quy tắc chuẩn cho đến cuối thiên niên kỷ trước.
Vào những năm 1970, xu hướng hiến tặng tinh trùng trở nên phổ biến hơn và phần lớn được dành cho các cặp đôi khác giới. Theo một ước tính, khoảng 6.000 - 10.000 trẻ đã sinh ra nhờ tinh trùng được hiến tặng tại Mỹ năm 1979.
"Thời điểm đó, các thầy thuốc chỉ xem xét thực hiện phương pháp này cho phụ nữ đã kết hôn. Hầu hết mọi người đều không nói với con cái họ rằng chúng ra đời nhờ tinh trùng được hiến tặng" - ông Scott Brown, Giám đốc dịch vụ khách hàng và thông tin tại Ngân hàng Tinh trùng California Cryobank (CCB) ở TP Los Angeles - Mỹ, nhấn mạnh. Đây chính là cơ sở hỗ trợ cho sự ra đời của cô McKinney.
Nhưng tình hình giờ đây đã khác xa trước. "Có khoảng 75% - 80% cặp đôi đồng tính nữ và người mẹ đơn thân lựa chọn sử dụng tinh trùng hiến tặng và con trẻ biết rõ chúng chào đời ra sao. Ngay cả nhiều cặp vợ chồng bình thường cũng không giấu giếm chuyện này, tương tự những gia đình nhận con nuôi cho đứa con biết thông tin như thế từ nhỏ" - ông Brown nhận định. Một cuộc nghiên cứu năm 2010 cho thấy khoảng 30.000 - 60.000 trẻ em ra đời ở Mỹ bằng tinh trùng được hiến tặng.
Nhiều ngân hàng tinh trùng giờ đây đối mặt thực tế đầy thách thức trong việc giữ kín danh tính người hiến tặng. Một số cơ sở như CCB bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Năm ngoái, CCB đã ban hành chính sách, theo đó, mọi người hiến tặng mới phải đồng ý cho con cái ra đời bằng tinh trùng của họ biết tên tuổi, nơi sinh sống và địa chỉ email khi 18 tuổi.
"Các nhà tâm lý học chắc chắn sẽ nhất trí rằng đây là giải pháp tốt nhất. Chúng tôi đang nỗ lực cung cấp mức độ tiếp xúc nhiều nhất có thể giữa các bên liên quan, khác với những gì xảy ra vào những năm 1970" - ông Brown giải thích.
Bình luận (0)