Vụ rò rỉ hơn 11,9 triệu hồ sơ nói trên diễn ra 5 năm sau vụ rò rỉ chấn động của "Hồ sơ Panama", tiết lộ cách thức che giấu tài sản của những người giàu có mà các cơ quan thực thi pháp luật không thể phát hiện.
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một mạng lưới phóng viên và tổ chức truyền thông có trụ sở tại Washington - Mỹ, cho biết "Hồ sơ Pandora" có liên quan đến khoảng 35 lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo, cùng hơn 330 chính trị gia và quan chức ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quốc vương Jordan Abdullah. Ảnh: Reuters
Ông Gerard Ryle, chủ tịch của ICIJ, cho rằng Hồ sơ Pandora có thể sẽ gây tác động lớn hơn những vụ rò rỉ trước đó khi nó được công bố trong bối cảnh thế giới đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19, vốn đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Cơ quan này không cho biết cách thức thu thập số hồ sơ nói trên và hãng tin Reuters cũng không thể xác minh độc lập số tài liệu được công bố.
Trong số tài liệu về giao dịch tài chính bị rò rỉ, Quốc vương Jordan Abdullah, đồng minh thân cận của Mỹ, bị cáo buộc đã sử dụng tài khoản nước ngoài để chi hơn 100 triệu USD mua những ngôi nhà sang trọng ở Anh và Mỹ.
DLA Piper, một văn phòng luật ở London đại diện cho Quốc vương Abdullah, tuyên bố với truyền thông rằng ông Abdullah không hề lạm dụng các khoản tiền công hoặc sử dụng bất kỳ khoản tiền thu được từ viện trợ hoặc hỗ trợ vốn dành cho mục đích công.
Vài ngày trước cuộc bầu cử quốc hội diễn ra từ ngày 8 đến 9-10 tại CH Czech, các tài liệu rò rỉ tiết lộ Thủ tướng Andrej Babis mua một khu đất bí mật trị giá 22 triệu USD tại một ngôi làng trên đồi gần Cannes - Pháp. Phát biểu trong cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 3-10, ông Babis phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Ông Babis phủ nhận mọi hành vi sai trái hôm 3-10. Ảnh: EPA
Theo Guardian, hơn 100 tỉ phú cũng bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora", bên cạnh những người nổi tiếng, ngôi sao nhạc rock và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều người sử dụng các công ty bình phong để lưu giữ các mặt hàng xa xỉ như tài sản và du thuyền cũng như các tài khoản ngân hàng ẩn danh.
Tờ The Washington Post cũng đưa tin về trường hợp của bà Svetlana Krivonogikh, công dân Nga, người được cho là chủ sở hữu một căn hộ ở Monaco thông qua một công ty nước ngoài được thành lập trên đảo Tortola thuộc vùng Caribe vào tháng 4-2003. Bà Krivonogikh mua căn hộ chỉ vài tuần sau khi sinh con gái.
Bình luận (0)