Theo Reuters, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ ngày 10-1 có lúc đạt 63,53 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 9-12-2014. Trước đó, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - Anh ngày 9-1 có lúc lên tới 69,82 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 5-12-2014.
"Việc OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng và lượng dầu dự trữ trên toàn cầu sụt giảm đang đẩy giá dầu lên mức cao hơn" - chuyên gia phân tích đầu tư William O’Loughlin thuộc công ty Rivkin Securities (Úc) nhận định.
Nhằm yểm trợ cho giá dầu, OPEC cùng Nga và nhóm các nước sản xuất dầu khác hồi tháng 11-2017 đã gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018. Nỗ lực này nhằm giảm nguồn cung dư thừa trên toàn cầu đã khiến thị trường dầu u ám từ năm 2014.
Giá dầu thế giới hôm 10-1 đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 Ảnh: REUTERS
Viện Dầu lửa Mỹ (API) hôm 9-1 cho biết lượng dầu dự trữ của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 5-1 đã giảm 11,2 triệu thùng xuống còn 416,6 triệu thùng. Con số này được công bố giữa lúc Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tăng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2018 lên thêm 100.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.
Tính từ đầu tháng 12 đến nay, giá dầu thế giới đã tăng hơn 13%. Dù vậy, có một số dấu hiệu cho thấy thị trường đang tăng trưởng quá nóng. Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến vượt mốc 10 triệu thùng/ngày trong tháng tới, chỉ thua sản lượng khai thác của Nga và Ả Rập Saudi.
Trong khi đó, tại châu Á - khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - các nhà máy lọc dầu đang phải chịu sức ép từ giá cao và nguồn cung nhiên liệu dư dả.
Theo Giám đốc hãng tư vấn năng lượng Trifecta (Ấn Độ) Sukrit Vijayakar, thực trạng nói trên có thể khiến lợi nhuận lọc dầu sụt giảm, các nhà máy lọc dầu ở châu Á giảm nhu cầu đối với dầu thô trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới giá cả toàn cầu.
Bình luận (0)