Giá dầu thô thế giới ngày 18-1 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm qua sau khi xảy ra căng thẳng địa chính trị mới ở Trung Đông.
Theo Reuters, giá dầu thô Brent ở Anh có lúc đạt 87,55 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 29-10-2014. Trước đó một ngày, nhóm phiến quân Houthi tại Yemen đã tấn công Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nguồn cung dầu bị gián đoạn.
Vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nói trên diễn ra gần một cơ sở dự trữ dầu của Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), khiến 3 người thiệt mạng. Căng thẳng có nguy cơ leo thang sau khi phong trào Houthi được Iran hậu thuẫn này cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công thêm các cơ sở khác.
Trong khi đó, chính quyền UAE tuyên bố có quyền đáp trả "vụ tấn công khủng bố" này. UAE hiện tham gia liên quân quân sự do Ả Rập Saudi đứng đầu nhằm hỗ trợ chính phủ Yemen đối phó Houthi.
Houthi từng không ít lần tấn công các mục tiêu ở Ả Rập Saudi nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra vụ tấn công chết chóc trên lãnh thổ UAE do nhóm này gây ra. Giới phân tích đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng địa chính trị mới này đối với thị trường dầu.
Một cơ sở của Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi tại TP Ruwais - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh đó, nguồn cung khó có thể được cải thiện bởi một số thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang vật lộn với chuyện khai thác hết công suất được phép.
Thỏa thuận giữa OPEC và nhóm các nước sản xuất dầu bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) hiện cho phép khai thác thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Chuyên gia Ash Glover của Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho rằng nếu các căng thẳng địa chính trị hiện nay vẫn tiếp diễn và nguồn cung không được bổ sung đầy đủ như thỏa thuận nói trên, khó tránh kịch bản giá dầu hướng về cột mốc 100 USD/thùng.
Một trong những điểm nóng được quan tâm nhiều lúc này là quan hệ Moscow - Kiev đang ngày một căng thẳng giữa lúc có thông tin nói binh sĩ Nga tập trung nhiều tại biên giới Ukraine. Các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng đã khép lại trong tuần rồi mà không đạt được kết quả đột phá nào.
Chuyên gia năng lượng Dan Yergin của Công ty IHS Markit (Anh) nói với đài CNBC rằng cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine chắc chắn sẽ tác động đến thị trường, nhất là khi Moscow đang cung cấp nhiều khí đốt cho châu Âu.
Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu Capital Economics (Anh) nhận định nếu cuộc khủng hoảng leo thang, giá khí đốt ở châu Âu sẽ còn tăng sau khi đã đạt mức cao vào năm ngoái. Ông William Jackson, chuyên gia tại Capital Economics, cũng chỉ ra rằng ngoài việc phụ thuộc khí đốt Nga, châu Âu hiện có lượng dự trữ khí đốt thấp.
"Nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga hoặc Nga sử dụng khí đốt như một đòn bẩy, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ tăng" - ông Jackson nhìn nhận.
Một cuộc khủng hoảng khí đốt trên diện rộng từng xảy ra ở châu Âu hồi quý III/2021, khiến giá điện ở đó tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Đầu tư Jefferies (Mỹ), nguồn cung khí đốt từ Nga lại thấp hơn bình thường.
Cụ thể, nhập khẩu khí đốt từ Nga vào khu vực Tây Bắc Âu từ tháng 8 đến tháng 12-2021 đã giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, tính đến ngày 12-1, dự trữ khí đốt ở châu Âu giảm 21% so với mức trung bình trong 5 năm.
Bình luận (0)