Việc dự trữ dầu chiến lược của bất kỳ quốc gia nào đều chỉ nhằm bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung đột xuất, ngắn hạn, chứ không phải để kiềm chế giá. Theo ông Schork, có nhiều người đánh cược rằng sẽ thấy giá dầu lên tới 100 USD/thùng và việc này có thể xảy ra sớm nhất là vào quý I của năm 2022, nhất là khi Bắc bán cầu trải qua một mùa đông lạnh giá.
Kênh CNBC đưa tin giá dầu đã tăng hơn 50% trong năm nay, với nhu cầu vượt xa nguồn cung khi nhiều nước thoát khỏi tình trạng đóng cửa và dừng các hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng do dịch Covid-19 kể từ năm 2020. Việc nối lại di chuyển quốc tế khi nhiều quốc gia mở cửa lại biên giới cũng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay.
Ông Schork dự đoán khoảng 100 triệu thùng dầu sẽ được xả từ dự trữ dầu chiến lược, trong đó có 50 triệu thùng từ Mỹ và có thể là 50 triệu thùng nữa từ các đối tác của Mỹ. Con số này vừa bằng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong một ngày.
Việc xả dầu từ kho dự trữ chiến lược trong cách nhìn của ông Schork là dấu hiệu rõ ràng cho thấy "sự tuyệt vọng rằng chỉ còn một công cụ duy nhất trong tay và công cụ này sẽ không đem lại hiệu quả". Thị trường sẽ coi việc xả dầu từ kho dự trữ chỉ là "chiêu tuyên truyền", có khả năng thị trường sẽ thấy giá dầu tăng cao hơn thay vì giá hạ thấp hơn trong vòng một tháng tới.
Giá dầu đã tăng hơn 50% trong năm nay. Ảnh: SHAFAQ NEWS
Đài CNN nhận định nỗ lực hạ nhiệt giá xăng dầu của Tổng thống Biden chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính bước ngoặt. Các nhà phân tích ở Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng cho việc xả kho dự trữ dầu chiến lược là giải pháp ngắn hạn và chỉ như "muối bỏ biển" trước mức thiếu hụt dầu hiện nay.
Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu có thể bổ sung khoảng 70 - 80 triệu thùng dầu thô vào thị trường nhưng nhỏ hơn mức hơn 100 triệu thùng mà thị trường đang định giá.
Trên thực tế, không riêng Ngân hàng Goldman Sachs hoài nghi về hiệu quả của việc xả kho dự trữ. Nhiều chuyên gia dường như cũng đồng tình rằng không thể bơm đủ khối lượng để tạo ra sự sụt giảm lâu dài cho giá dầu. Điều này khiến động thái của ông Biden trở nên không nhiều ý nghĩa.
Tom Kloza, Chủ tịch Công ty Oil Price Information Service, lo ngại giá khí đốt tăng vọt vào đầu năm 2022 do các nhà máy lọc dầu ở bang California, New Mexico và Louisiana (Mỹ) ngừng hoạt động.
Trước tình hình hiện nay, Vivek Dhar, chuyên gia phân tích hàng hóa năng lượng và khai thác tại Ngân hàng Khối thịnh vượng chung (Commonwealth Bank) của Úc, nghĩ chính quyền Mỹ nên cân nhắc việc trao đổi với các nhà sản xuất dầu khí Mỹ và đề nghị họ tăng sản lượng dầu để bù đắp sự mất cân bằng nguồn cung.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Công ty Eurasia Group cho rằng việc các nước tiêu thụ dầu xả một lượng lớn dầu dự trữ trước khi OPEC+ nhóm họp vào đầu tháng 12 có thể khiến nhóm này có động thái chống trả, dẫn đến tình trạng bế tắc gây bất ổn.
Bình luận (0)