Nếu chỉ nhìn qua, đảo Old Providence chẳng khác nào thiên đường mọc lên giữa biển Caribe. Nước xanh thăm thẳm, cát trắng óng ánh dưới ánh nắng vàng bên những hàng cọ reo vui trong gió.
Bí mật tội lỗi
Vẻ tinh khôi của hòn đảo gần như nguyên vẹn bởi chưa có nhiều du khách đặt chân tới đây. Thế nhưng, thiên đường nhỏ xinh này lại mang một bí mật tội lỗi: Cánh mày râu trên đảo lũ lượt biến mất vì buôn lậu “cái chết trắng”.
Với khoảng 5.000-6.000 người sinh sống, Old Providence từng là mảnh đất của những cư dân thảnh thơi, chẳng bao giờ thấy họ vội vã, “stress” cũng không xuất hiện trong từ điển. Từng là thuộc địa của người Thanh giáo Anh quốc năm 1629 nhưng hòn đảo từ lâu đã về tay Colombia. Suốt một thời gian dài, đảo miễn nhiễm với “căn bệnh chưa tìm ra thuốc chữa” ở Colombia - đến từ các băng buôn lậu khét tiếng, bọn đâm thuê chém mướn hay các ông trùm ma túy.
Tuy nhiên, Old Providence chẳng thể “giữ mình” được mãi khi vài năm trước, bọn buôn lậu ma túy phát hiện nam giới trên đảo là những bậc thầy đi biển.
Theo nhà báo kỳ cựu Amparo Ponton, vốn gắn bó với Old Providence 25 năm qua, cư dân trên đảo trở thành mắt xích quan trọng trong hoạt động buôn lậu ma túy. “Họ được thuê làm hoa tiêu cho các thuyền buôn cái chết trắng” - ông Ponton cho biết.
Với mỗi chuyến hàng “đi đến nơi, về tới chốn”, thường là khu vực từ Honduras tới Florida - Mỹ, những hoa tiêu này được trả công hàng ngàn USD. Đổi lại là hiểm nguy rình rập và một khi sa lưới, chẳng ai thoát được án tù.
“Con trai tôi từng thụ án tù 6 năm ở Mỹ. Ra tù rồi, nó lại ngựa quen đường cũ” - một người mẹ trên đảo rầu rĩ. Một cư dân đề nghị giấu tên lo ngại: “Chúng tôi đang mất dần đàn ông. Theo tính toán của tôi, ít nhất 800 người con của đảo đã biến mất, trong đó có người đang thụ án tù ở nhiều nước khác nhau nhưng cũng có người không thể tìm thấy dấu vết. Nếu tính toán này đúng, 1/4 phái mạnh trên đảo đã biến mất”.
Bi kịch
Thực ra, có một cách hứa hẹn tạo thêm nhiều công ăn việc làm là phát triển du lịch nhưng cư dân Old Providence lại không theo đuổi con đường này như hòn đảo hàng xóm San Andres. Chinh phục biển cả dường như đã ăn sâu vào máu trai tráng trên hòn đảo mà tổ tiên của nhiều người từng hành nghề cướp biển. Vì vậy, bi kịch càng thêm nối dài khi nhiều gia đình có cả cụ, ông, cha và con trai đều “bóc lịch” vì dẫn lối đưa đường cho “hàng trắng”.
Loreno Bent, một ngư dân 26 tuổi, băn khoăn: “Có những đứa trẻ mất cha vào tay biển cả khi mới 4 tháng tuổi. Có những người mẹ khóc hết nước mắt vì con cái không bao giờ trở về. Chẳng ai biết họ đi đâu. Họ có thể đang ở trong tù tại bất cứ nơi nào trên thế giới”.
Tuy nhiên, Bent không phán xét tội ác buôn lậu ma túy: “Biển cả là miếng cơm của chúng tôi, bất kể khi ra khơi vì chuyện hợp pháp hay phi pháp. Vả lại, điều quan trọng với chúng tôi là đồng tiền kiếm được không liên quan tới tội ác chống lại người khác.
Ở Colombia, ma túy bị coi là bất hợp pháp nhưng nhiều người trên đảo xem đó là con đường duy nhất. Mọi người nói rằng đó là cách kiếm tiền dễ dàng nhưng thực ra nó rất khắc nghiệt”.
Khi một chàng trai biến mất, cha mẹ họ thường âm thầm tìm kiếm trong tuyệt vọng. Đó cũng là lý do hàng trăm người đã mất tích ở Old Providence nhưng con số các cuộc điều tra chính thức về tình trạng này lại cực kỳ thấp.
Bình luận (0)