Swiss Re liệt kê danh sách những thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất, gồm: các trận bão Michael và Florence ở Bắc Mỹ, siêu bão Mangkhut ở châu Á, các đám cháy rừng ở bang California - Mỹ, hạn hán và cháy rừng ở châu Âu, lũ lụt ở Nhật Bản, vụ núi lửa phun trào ở Hawaii và các vụ động đất cũng như sóng thần ở Indonesia.
Nạn nhân sóng thần tạm trú ở thị trấn Labuhan, tỉnh Banten - Indonesia hôm 27-12 Ảnh: REUTERS
Trong số này, thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất mà còn làm nhiều thương vong. Mới nhất là trận sóng thần hôm 22-12 khiến ít nhất 430 người thiệt mạng, 1.495 người bị thương và 159 người mất tích tại các khu vực quanh eo biển Sunda. Hôm 27-12, nhà chức trách Indonesia đã báo động lên mức cao thứ 2 đối với núi lửa Anak Krakatau - "thủ phạm" gây ra trận sóng thần kinh hoàng kể trên. Cơ quan giảm nhẹ thảm họa Indonesia (BNPB) cho biết động thái này diễn ra do núi lửa gia tăng hoạt động.
Đài BBC trích dẫn thông cáo báo chí của BNPB cho biết khu vực nguy hiểm đã được mở rộng từ 2 km lên 5 km và người dân và du khách bị cấm đi vào khu vực này. Nhà chức trách cũng tiếp tục thúc giục cư dân tránh xa các bãi biển vì sợ xảy ra một cơn sóng thần khác nữa. Hơn 21.000 người đã được sơ tán đến vùng đất cao. Tuy nhiên, hoạt động cứu hộ đang bị cản trở bởi mưa lớn gây lũ lụt tại một số nơi.
Trong lúc này, những cơn gió mạnh đã thổi tro phun ra từ núi lửa sang các khu vực lân cận. Nhà chức trách khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang và kính khi ra ngoài. Ngành hàng không Indonesia cũng buộc phải thay đổi tuyến của tất cả chuyến bay giữa các đảo Java và Sumatra và tạm ngưng một số tuyến.
Bình luận (0)