Ngành chăn nuôi gia súc, vốn hỗ trợ sinh kế của ít nhất 1,3 tỉ người trên toàn thế giới, đang tăng tốc để đáp ứng nhu cầu thịt ngày càng tăng. Trong lĩnh vực nông nghiệp tế bào, thịt nhân tạo là một thị trường đầy hứa hẹn.
Câu hỏi về dinh dưỡng, an toàn
Những công ty như Beyond Meat, Impossible Foods hay Just Foods (đều của Mỹ) - sử dụng thành phần thực vật để tạo ra các giải pháp thay thế bánh mì kẹp thịt, trứng chiên và những sản phẩm khác - đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong báo cáo dựa theo ý kiến của giới chuyên gia hồi năm 2019, Công ty AT Kearney (Mỹ) ước tính 1 tỉ USD đã được đầu tư để phát triển những sản phẩm "thịt chay" như trên, trong đó có tiền từ các công ty hiện thống trị thị trường thịt thông thường.
Ngoài "thịt chay", một số công ty còn phát triển thịt ống nghiệm dựa trên tế bào để tạo ra thịt thật mà không cần nuôi hay giết mổ động vật. Theo AT Kearney, loại thịt này sẽ thống trị thị trường lâu dài bởi chúng có hương vị giống thịt thông thường hơn so với thịt gốc thực vật. Dù vậy, không phải ai cũng hào hứng với thịt ống nghiệm. Họ hoài nghi về giá trị dinh dưỡng và tính an toàn của sản phẩm này, trong khi tác động môi trường và xã hội của nó vẫn đang được đánh giá.
Theo giới chuyên gia, cần chú ý đến nhận thức của công chúng về thịt ống nghiệm ở nhiều khía cạnh, kể cả đạo đức và tôn giáo, nếu muốn đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm này. Chẳng hạn, với sự phát triển nhanh chóng về mặt dân số, người tiêu dùng Hồi giáo mang đến cơ hội kinh doanh hứa hẹn cho thịt ống nghiệm. Vấn đề quan trọng nhất đối với cộng đồng Hồi giáo là liệu họ có được phép sử dụng loại thịt này hay không. Theo một số nhà nghiên cứu luật Hồi giáo, thịt ống nghiệm được xem là hợp quy nếu tế bào nuôi cấy có nguồn gốc từ động vật được giết mổ theo đúng quy định, không sử dụng máu hay huyết thanh động vật và/hoặc chất tăng trưởng trong quá trình sản xuất.
Hoài nghi về tính an toàn cũng là một rào cản trong quá trình "phủ sóng" thịt nhân tạo. Trang tin EU-Startups hồi tháng 1-2021 trích dẫn một nghiên cứu cho thấy 43% người khẳng định vẫn sẽ sử dụng thực phẩm gốc động vật kể cả khi thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm có giá ngang bằng. Cho rằng thịt nuôi cấy "không tự nhiên", họ lo ngại sản phẩm này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe dù hiện không có bằng chứng nào cho thấy thịt ống nghiệm kém an toàn.
Mùi vị cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng e dè với thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm. Mặc dù các công ty đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để bảo đảm thịt nhân tạo có hương vị giống thịt thật, một số người tiêu dùng có thể không bị thuyết phục, đặc biệt là về mặt cấu trúc thịt.
Một món ăn được chế biến từ thịt gà nhân tạo của Công ty Eat Just tại Singapore Ảnh: REUTERS
Thịt nhân tạo được dự đoán có thể chấm dứt kỷ nguyên thống trị của thịt truyền thống trong tương laiẢnh: REUTERS
Chỉ là vấn đề thời gian
Bất chấp những rào cản kể trên, báo cáo của AT Kearney khẳng định phần lớn thịt mà con người tiêu thụ vào năm 2040 sẽ không đến từ việc giết mổ động vật. Cụ thể, báo cáo ước tính 35% lượng thịt tiêu thụ sẽ đến từ quá trình nuôi cấy tế bào và 25% đến từ các sản phẩm gốc thực vật.
Nhấn mạnh tác động sâu rộng của quá trình sản xuất thịt truyền thống đối với môi trường và nỗi lo của con người đối với phúc lợi động vật trong chăn nuôi công nghiệp, báo cáo khẳng định: "Chăn nuôi gia súc quy mô lớn bị nhiều người xem là một điều ác không cần thiết. Với những lợi ích của thịt gốc thực vật và thịt nuôi cấy từ tế bào so với thịt thông thường, chỉ là vấn đề thời gian khi chúng chiếm được một thị phần bền vững".
Sự bất an của khách hàng về thịt ống nghiệm sẽ không phải là một rào cản, báo cáo của AT Kearney nhìn nhận, trích dẫn các cuộc khảo sát ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ: "Thịt ống nghiệm sẽ giành chiến thắng về mặt dài hạn. Tuy nhiên, các sản phẩm thịt gốc thực vật sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi". Theo chuyên gia Carsten Gerhardt của AT Kearney, thịt nuôi cấy từ tế bào sẽ thay thế thịt miếng thông thường nhưng các sản phẩm gốc thực vật, với giá thành thấp hơn, sẽ thay thế thịt nhuyễn và xúc xích.
"Quyết định của Singapore về việc cho phép bán thịt gà nhân tạo của Công ty Eat Just (Mỹ) là một bước ngoặt đối với tương lai của ngành sản xuất thịt toàn cầu. Một cuộc đua mới đang diễn ra" - nhà phân tích Bruce Friedrich của Viện Nghiên cứu thực phẩm tốt ở Mỹ nhận định, đồng thời dự báo thịt nuôi cấy chỉ bắt đầu phổ biến khi có giá ngang bằng thịt thông thường.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng việc chấm dứt kỷ nguyên thống trị của thịt truyền thống không thể diễn ra một sớm một chiều. "Quá trình chuyển đổi sang các mô hình tiêu thụ protein bền vững hơn đang diễn ra, được thúc đẩy bởi người tiêu dùng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Quá trình này thậm chí đang thu hút sự tham gia của những công ty thịt truyền thống hàng đầu thế giới" - bà Rosie Wardle, thuộc Tổ chức Jeremy Coller (Anh), khẳng định. Dù vậy, Liên minh Nông dân quốc gia (Mỹ) tin rằng ngành chăn nuôi gia súc sẽ tiếp tục sản xuất thực phẩm an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc và có giá cả phải chăng, miễn là nhu cầu của công chúng vẫn còn.
Bình luận (0)