Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16-10 bắn hạ máy bay không người lái (UAV) sau khi đưa ra 3 cảnh báo tại khu vực cách biên giới Syria khoảng 3 km.
Trong cuộc phỏng vấn của đài Ahaber hôm 19-10, ông Davutoglu cho biết máy bay bị bắn rơi là do Nga sản xuất nhưng Moscow phủ nhận. Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay này có thể thuộc về quân đội Syria - vốn được Nga cung cấp nhiều khí tài quân sự - hoặc lực lượng người Kurd.
Một quan chức Mỹ giấu tên cũng khẳng định Washington tin rằng chiếc UAV đến từ Nga.
Kể từ đầu tháng 10, máy bay Nga bị cáo buộc xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ 2 lần. Ankara tuyên bố họ sẽ đáp trả nếu Moscow tiếp tục tái phạm.
Theo ông Davutoglu, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc UAV “do Nga chế tạo” thể hiện quyết tâm của nước này nhằm chống lại bất kỳ hành vi xâm nhập không phận nào. Ông bày tỏ hy vọng Moscow sẽ coi trọng tình hữu nghị và láng giềng để hành động cẩn thận hơn và giúp quan hệ 2 nước không bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Trong khi đó, 3 nhánh chiến binh liên kết lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) hôm 19-10 thông báo họ đã nhận được một số tên lửa chống tăng do Mỹ chế tạo ở phía Nam TP Aleppo. Các tên lửa này do các nước phản đối chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cung cấp.
Tuy nhiên, đại diện 3 nhóm phiến quân cho biết số tên lửa quá ít, không đủ để thực hiện một chiến dịch quy mô chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các phong trào Hồi giáo cực đoan khác. Lực lượng Iran và phong trào Hezbollah (Lebanon) cũng đang chiến đấu gần TP Aleppo từ ngày 16-10.
Mỹ được cho là cung cấp vũ khí cho phiến quân ôn hòa Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một phần kế hoạch hỗ trợ của Washington, bao gồm chương trình đào tạo do đích thân Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đảm nhận.
Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abdulrahman tiết lộ nhóm phiến quân liên kết FSA đã nhận được 11 xe quân sự với tên lửa chống tăng dẫn đường trong 3 ngày qua.
Cùng ngày 19-10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong 24 giờ qua, lực lượng không quân Nga đã tiến hành 33 cuộc không kích, phá hủy hơn 49 mục tiêu của các tay súng vũ trang ở một số khu vực của Syria như ngoại ô thủ đô Damascus, tỉnh miền Bắc Aleppo, tỉnh Tây Bắc Idlib, thành phố duyên hải Latkia và tỉnh miền Trung Hama.
Về chiến dịch không kích của Nga, phát ngôn viên Hội đồng nhân dân Syria Mohammad Jihad al-Laham khen ngợi những gì Nga làm trong vòng 2 tuần qua còn đạt kết quả hơn nhiều so với chiến dịch không kích hơn 1 năm qua của liên minh do Mỹ đứng đầu. Ông đưa ra những tuyên bố này trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga, bà Valentina Matviyenko.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết mỗi ngày quân đội Nga triển khai trung bình 50 đợt không kích tại Syria. Báo Independent dẫn một nguồn tin tiết lộ Nga đang xây đường băng mới để nâng số đợt ném bom lên 200-300 lần/ngày. Cũng theo nguồn tin, các mục tiêu đều do phía Syria lựa chọn, sau đó các máy bay không người lái của Nga sẽ xác định vị trí chính xác.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 19-10 cho biết nước này đang nỗ lực tránh một sự “phá hủy hoàn toàn” ở Syria và lên kế hoạch cho một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Nga, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới nhằm tìm giải pháp.
Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow đang cân nhắc đề xuất của ngoại trưởng Mỹ.
Hôm 18-10, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chê Mỹ "thiển cận" và "yếu ớt" khi không hợp tác với Nga để đẩy lùi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông khẳng định IS vẫn tiếp tục bành trướng "và chính sự can thiệp của Nga đã làm thay đổi tình thế".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 14-10 từ chối đề nghị của Tổng thống Nga Putin về việc cử đoàn ngoại giao Nga, do Thủ tướng Medvedev dẫn đầu, đến Mỹ để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria.
Bình luận (0)