3 điều kiện này là: tài trợ thêm 3,4 tỉ USD, đẩy nhanh tiến trình đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Schengen của EU vào cuối tháng 6 tới.
Ông Erdogan cho biết trong một bài phát biểu tại dinh tổng thống ở thủ đô Ankara: “Có những điều kiện rõ ràng. Nếu Liên minh châu Âu không thực hiện các bước cần thiết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tuân thủ thỏa thuận”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra lạc quan hơn. “Tôi rất hạnh phúc ngày hôm nay dù biết rằng chúng tôi vẫn chưa hoàn thành tất cả nhiệm vụ trước mắt” – bà Merkel nói tại cuộc họp báo ở miền Đông nước Pháp cùng ngày.
Hiện chưa rõ phát biểu của ông Erdogan ảnh hưởng thế nào đến việc thực thi thỏa thuận.
Theo kế hoạch, làn sóng người di cư thứ 2 dự kiến được vận chuyển từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8-4 (giờ địa phương) như một phần của thỏa thuận với EU nhằm giảm số lượng di dân tới châu Âu.
Khoảng 200 người di cư đầu tiên – chủ yếu là người Pakistan - đã được đưa từ Hy Lạp tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4-4 khi thỏa thuận bắt đầu có hiệu ực. Tuy nhiên, sau đó việc thực thi nó đã bị đình trệ, chủ yếu do sự gia tăng số lượng đơn xin tị nạn ở Hy Lạp vào giờ chót.
Đề nghị tiếp nhận người di cư của Thổ Nhĩ Kỳ đánh động các nhóm nhân quyền. Họ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một đất nước an toàn cho di dân. Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa người di cư Syria trở về quê hương một cách trái phép nhưng Ankara phủ nhận.
Hôm 7-4, AI cho biết người di cư trên 2 đảo Lesbos và Chios của Hy Lạp hầu như không được trợ giúp pháp lý, bị hạn chế tiếp cận với các dịch vụ, thiếu sự giúp đỡ, cũng như không có thông tin về tình trạng, số phận hiện tại của mình.
Phó Giám đốc AI chi nhánh châu Âu Gauri van Gulik nói người di cư tại đây đang cảm thấy sợ hãi và tuyệt vọng. “Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nơi an toàn cho người tị nạn vào thời điểm này. Hy Lạp cũng có những sai sót nghiêm trọng về thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ” – Reuters dẫn lời bà Gulik cho biết.
Những người di cư tại biên giới Hy Lạp với Macedonia đụng độ với cảnh sát hôm 7-4. Họ yêu cầu mở cửa biên giới trở lại để tiếp tục hành trình. Các chuyên gia cảnh báo thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến người di cư phải chọn các tuyến đường nguy hiểm hơn trong một nỗ lực tới Đức và các nước Bắc Âu
Theo thỏa thuận với EU, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận người di cư bất hợp pháp đến Hy Lạp sau ngày 20-3 nếu họ không xin tị nạn hoặc bị từ chối tị nạn. Với mỗi di dân Syria trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, EU sẽ nhận tái định cư 1 di dân Syria có yêu cầu tị nạn hợp pháp do Thổ Nhĩ Kỳ đưa sang theo hình thức trao đổi “1 lấy 1”.
Bình luận (0)