Đại diện của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gặp nhau tại trụ sở của NATO ở Brussels sau khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập tổ chức quân sự này. Động thái đánh dấu một trong những phân nhánh địa chính trị lớn nhất, có thể viết lại bản đồ an ninh của châu Âu.
Theo hãng tin AP, một số nhà ngoại giao từ chối cho biết về tiến trình thủ tục, chỉ đề cập những thông điệp hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển từ đồng minh NATO.
Đại sứ Lithuania tại NATO - Deividas Matulionis - nói với truyền thông Thụy Điển và Phần Lan rằng các phái viên đã trao đổi quan điểm về an ninh quốc gia của họ. Thế nhưng, theo ông, rào cản để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể là Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 18-5 tiếp nhận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển, do Đại sứ Phần Lan và Thuỵ Điển tại NATO trình lên. Ảnh: AP
Khi đại diện của các quốc gia thành viên NATO nhóm họp để tìm cách mở cuộc đàm phán, Ankara được cho là đã chặn cuộc bỏ phiếu về việc bắt đầu đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cáo buộc các nước Bắc Âu này hỗ trợ các nhóm mà Ankara coi là "khủng bố".
Các quan chức NATO cũng chỉ nhấn mạnh bình luận trước đó trong ngày 18-5 của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, rằng "chúng tôi quyết tâm giải quyết tất cả các vấn đề và đạt được kết luận nhanh chóng".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết thêm giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán về đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan có thể kết thúc trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
Người phát ngôn của NATO chưa bình luận về trở ngại trong quá trình đàm phán nhưng nói với tờ Financial Times rằng "lợi ích an ninh của tất cả các đồng minh phải được tính đến và các bên quyết tâm làm việc cặn kẽ về tất cả vấn đề để có thể đi đến kết luận nhanh chóng".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Stockholm không nên mong đợi Ankara ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO mà không giải quyết "những kẻ khủng bố". Ảnh: AA
Sau động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Croatia cũng muốn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ngày 18-5, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho biết ông có kế hoạch chỉ thị cho Đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của nước này tại NATO, ngăn chặn việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Ông Milanovic nói với các phóng viên rằng việc Croatia từ chối cho hai nước trên gia nhập NATO sẽ khiến dư luận quốc tế chú ý tới vấn đề mà người Croatia ở các nước láng giềng Bosnia và Herzegovina đang phải đối mặt.
Theo luật bầu cử hiện hành, các lãnh đạo của Croatia có xu hướng được bầu nhờ số phiếu của người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniak. Croatia đang thúc đẩy sửa đổi điều này.
Ông Milanovic nói với Đài RT: "Tôi từng nói người Croatia ở Bosnia đối với tôi quan trọng hơn toàn bộ vấn đề biên giới Nga - Phần Lan". Ông Milanovic nghĩ rằng bằng việc phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy một cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia.
Những bình luận mới nhất của ông Milanovic gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ của ông với chính phủ của Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic, người mà ông cáo buộc không bảo vệ lợi ích của Croatia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Croatia Gordan Grlic-Radman cho biết Đại sứ Nobilo được yêu cầu "chấp thuận đơn đăng ký thành viên của Phần Lan, Thụy Điển" và "sẽ được ủy quyền để ký một nghị định thư trong vài ngày tới".
Bình luận (0)