Ông Erdogan nói trong bài phát biểu tại thủ đô Ankara: ""Chúng tôi sẽ mua máy bay Boeing tiên tiến. Chúng tôi là khách hàng tốt. Nhưng nếu bị trừng phạt, chúng tôi có thể xem xét lại việc mua hàng".
Trước đó, Mỹ cấm bán 100 tiêm kích tàng hình F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này nhận các bộ phận của hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Washington cũng tuyên bố loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo F-35 và để ngỏ các biện pháp trừng phạt khác.
Mỹ cấm bán 100 tiêm kích tàng hình F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này mua S-400. Ảnh: Không quân Mỹ
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump hôm 26-7 cho biết ông không thể đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua S-400 bởi "hoàn cảnh và rất nhiều vấn đề xảy ra dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama".
Tại cuộc họp ở Phòng Bầu dục, nhà lãnh đạo Mỹ không nói rõ liệu ông có áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Theo Đạo luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ (CAATSA) ký hồi tháng 8-2017, Ankara có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế khi mua hệ thống phòng không do Moscow sản xuất.
Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc thỏa thuận S-400 "trị giá 2,5 tỉ USD" với Điện Kremlin bất chấp cảnh báo từ Mỹ rằng việc mua hệ thống này sẽ đi kèm với hậu quả chính trị và kinh tế.
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Sputnik
S-400, kế thừa những ưu điểm của các hệ thống phòng không S-200 và S-300, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007. So với các hệ thống tương tự của Mỹ, S-400 được cho là có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu ở khoảng cách xa hơn và chống lại nhiều mối đe dọa cùng lúc.
Trong một số nỗ lực ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2013 và 2017 đề xuất bán hệ thống phòng không Patriot do Tập đoàn Raytheon sản xuất cho đồng minh NATO. Nhưng cả 2 lần, Thổ Nhĩ Kỳ đều "mua hụt" vì Mỹ từ chối chuyển giao công nghệ tên lửa nhạy cảm.
Bình luận (0)